Năm 2016 sẽ là một năm nhiều dấu mốc, bước ngoặt đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như các bên có liên quan trong cuộc xung đột ở khu vực này. Các diễn biến đã và đang xảy ra trong vài năm gần đây, đặc biệt là hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc tại Trường Sa và vụ Manila kiện Bắc Kinh, sẽ có kết quả cụ thể.
Sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng quân sự Trung Quốc trong khu vực sẽ dẫn đến đụng độ thường xuyên hơn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Điều này cùng với những diễn biến khác trong khu vực sẽ thu hút sự chú ý và tham gia nhiều hơn của các quốc gia bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Những nhân tố này sẽ tác động trực tiếp đến diễn biến tình hình Biển Đông trong một số khía cạnh sau:
Một là, sự chuyển giao chính trị quan trọng ở một số nước trong khu vực có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Philippines vào tháng 5 tới. Dù ai trở thành lãnh đạo cao nhất của Philippines nhiệm kỳ tới thì quan điểm và cách thức xử lý vấn đề Biển Đông của nhân vật này sẽ luôn được chú ý và phải chịu áp lực bởi tính khẩn cấp cũng như sự quan tâm sát sao của người dân Philippines đối với vấn đề này, do họ luôn cảnh giác với Bắc Kinh ở mức độ cao nhất. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Việt Nam, nơi cách thức thực hiện chính sách Biển Đông được cho là sẽ không có gì thay đổi sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12.
Hai là, tác động của việc Tòa Trọng tài Quốc tế phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Philippines đã tranh luận và đệ trình câu trả lời bằng văn bản về giá trị pháp lý của vụ kiện tại các phiên điều trần của Tòa từ tháng 11/2015. Đây là vụ kiện phức tạp, gồm 15 tuyên bố riêng rẽ, vì vậy hình thức đưa ra kết luận của Tòa vẫn là một ẩn số. Các thẩm phán đang thảo luận và dự kiến đưa ra phán quyết vào cuối tháng 5 tới. T
uy nhiên, các thẩm phán gần như đã chắc chắn quyết định rằng “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra là một tuyên bố không có giá trị pháp lý và Trung Quốc không có quyền lịch sử nào vượt quá vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã được quy định trong Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ các tuyên bố của họ dựa trên các quyền đối với thực thể địa lý chứ không phải dựa trên những đường đứt đoạn mơ hồ, không rõ nghĩa trên bản đồ.
Đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối tham gia vụ kiện, khẳng định không công nhận thẩm quyền cũng như phán quyết của Tòa. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, chắc chắn danh tiếng của nước này sẽ bị tổn hại. Nó sẽ làm suy yếu những lập luận của Trung Quốc rằng họ là một cường quốc có trách nhiệm, đồng thời khiến các quốc gia khác cảnh giác với những cam kết của Trung Quốc và đẩy các nước trong khu vực tiến lại gần hơn với Nhật Bản và Mỹ.
Cái giá đó có thể khiến Bắc Kinh phải chấp nhận định nghĩa lại về “đường 9 đoạn” dựa trên UNCLOS và bước vào đàm phán thực sự. Để thúc đẩy một thỏa thuận chính trị như vậy, Manila và Washington cần phải bắt đầu một chiến dịch liên tục nhằm thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với phán quyết của Tòa Trọng tài. Sự ủng hộ đó không chỉ đến từ các quốc gia có cùng hệ tư tưởng như Australia, Nhật Bản, châu Âu mà cả các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Ba là, việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông. Chuyến bay dân sự thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc hạ cánh tại đá Chữ Thập vào cuối năm 2015 đã đánh dấu sự hoàn thành đường băng đầu tiên của Trung Quốc tại Trường Sa. Đường băng trên đá Xu Bi và đá Vành Khăn sẽ sớm hoàn tất và các chuyến bay quân sự thử nghiệm của Trung Quốc sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2016.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục xây dựng cảng, các công trình hỗ trợ và lắp đặt hệ thống ra đa nhằm hỗ trợ các lực lượng không quân, hải quân và cảnh sát biển luân phiên tại những đảo nhân tạo ở Trường Sa. Cùng với sự nâng cấp về quân sự đang diễn ra tại đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc xây dựng đường băng và gần đây triển khai tên lửa di động đất đối không HQ-9 thì rõ ràng năm 2016 sẽ chứng kiến năng lực quân sự gia tăng đáng kể của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nạn nhân trực tiếp nhất của việc Trung Quốc gia tăng lực lượng chính là hải quân, cảnh sát biển và tàu dân sự của các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2016 sẽ chứng kiến các vụ đụng độ và xung đột thường xuyên hơn giữa ngư dân, các tàu khai thác dầu và khí đốt, tàu quân sự và máy bay của Philippines, Việt Nam, Malaysia với lực lượng Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng năng lực kiểm soát Biển Đông và ngăn chặn hoạt động của các phương tiện trong khu vực mà Trung Quốc coi là thuộc chủ quyền của họ.
Điều này dẫn đến việc các nước Đông Nam Á kêu gọi sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài ở phạm vi rộng hơn. Sự kêu gọi này sẽ gia tăng khi ngày càng có nhiều cơ sở của Trung Quốc tại Trường Sa được nhìn thấy. Úc đã tăng cường tuần tra Biển Đông; Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khu vực như Úc và Philippines; Ấn Độ nổi lên là nhà cung cấp vũ khí, phương tiện chủ yếu cho Việt Nam và là đối tác an ninh ngày càng quan trọng của Úc, Nhật Bản và Mỹ.
Đồng thời với việc tăng cường hoạt động tự do hàng hải trong khu vực một cách thường xuyên hơn, có khả năng Mỹ sẽ thúc đẩy năng lực tình báo, do thám, giám sát và tuần tra tại Biển Đông, kết hợp củng cố các hiệp ước an ninh với các đồng minh. Trong những tháng tới, Manila và Washington sẽ hoàn tất một danh sách chính thức về các căn cứ quân sự của Philippines mà Mỹ có quyền ra vào và Mỹ có thể đầu tư một khoản đáng kể để cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự của Philippines.
Từ những phân tích trên có thể thấy năm 2016 sẽ là một năm căng thẳng gia tăng trong khu vực Biển Đông và là năm thiết lập nền tảng của những chiến dịch đa phương liên tục nhằm ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc, ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á theo đuổi lợi ích của họ và tiến tới một thỏa thuận chính trị cuối cùng để dàn xếp những căng thẳng này.
* Tác giả Gregory Poling là Giám đốc phụ trách Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) và là thành viên cấp cao trong Ban Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc CSIS.