|
Ông José Manuel Campa – Chủ tịch Cơ quan Giám sát Ngân hàng Châu Âu (Nguồn: Bloomberg) |
Financial Times vừa dẫn lời ông José Manuel Campa – Chủ tịch Cơ quan Giám sát Ngân hàng Châu Âu (EBA) - cho biết mối quan tâm lớn hàng đầu của cơ quan này là việc tuyển dụng và giữ chân các nhân tài trong lĩnh vực tiền điện tử.
EBA đang đứng trước những thách thức về cải thiện năng lực giám sát thị trường tài sản kỹ thuật số, đặc biệt là khi các quy định mới về tiền điện tử của Châu Âu có hiệu lực vào năm 2025.
Không chỉ riêng EBA, nhiều cơ quan khác của Châu Âu cũng đang phải đối mặt với khó khăn khi cố gắng theo kịp được lĩnh vực tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng.
Các ngân hàng, công ty Fintech, tổ chức tư vấn đã và đang đề nghị các mức lương vô cùng hấp dẫn nhằm thu hút các chuyên gia có chuyên môn cao. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đạt mức kỷ lục ở Châu Âu khiến nhu cầu tăng lương cao hơn để bù đắp cho chi phí sinh hoạt đang ngày càng đắt đỏ.
Mức lương của EBA đưa ra tương đương với mức lương mà Uỷ ban Châu Âu (EC) quy định. Dù không chịu sự quản lý của EC trong việc trả lương cho nhân viên, cơ quan này dường như cũng không có khả năng đưa ra một mức lương cao hơn để tuyển dụng các chuyên viên trong lĩnh vực tiền điện tử.
Được biết, các nhà lập pháp của Liên minh Châu Âu (EU) mới đây đã thông qua dự luật 'Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa' (thường gọi là dự luật MiCA). Dự luật này sẽ tập trung nhiều vào 'stablecoin' và sẽ được áp dụng ở 27 nước thành viên của EU.
Tuy vậy, vẫn còn một chặng đường dài trước khi các chi tiết của dự luật được áp dụng vào thực tiễn, và không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều quy định nữa ra đời.
Ông José Manuel Campa cũng thừa nhận rằng, trong 3 năm tới, tiền kỹ thuật số có thể đã 'dịch chuyển và chuyển đổi sang một mục đích sử dụng khác' mà ông không thể dự đoán được.
"Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo rằng các rủi ro [trong lĩnh vực tiền điện tử] được kiểm soát đúng cách. Nếu không làm tốt, chúng ta có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả", ông nói.
Đối với EBA, việc giám sát hoạt động của các ngân hàng Châu Âu nhằm đảm bảo hệ thống tài chính của khu vực này sẽ đứng vững trước các đợt khủng hoảng trong tương lai, đặc biệt là từ các đồng tiền điện tử có mối liên hệ với các tài sản truyền thống.
Vị chủ tịch EBA lại tỏ ra khá lạc quan về nền kinh tế Châu Âu, nhấn mạnh rằng ông không thấy khủng hoảng tài chính "sớm xảy ra" và các ngân hàng của Châu Âu vẫn sẽ duy trì hoạt động cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
EBA đang cố gắng giải quyết việc các ngân hàng phải tăng lãi suất trong các kỳ kiểm tra căng thẳng vào năm tới. Đây được coi là một ‘bài tập’ thường niên để đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn vốn để vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra./.