Người Bắc tính Nam
Ông thuộc lớp bộ đội chính quy đi B từ những đợt đầu tiên. Đi một mạch từ miền Bắc vào đến tận rừng U Minh và rồi chiến đấu riết trong đó tới năm 1978. Ra Hà Nội học Học viện cấp cao hai năm rồi lại trở về Quân khu 9, chiến đấu tại mặt trận Tây Nam đến tận năm 1989 mới chuyển ra Bắc. Tính ra, toàn bộ thời gian ông chiến đấu, công tác ở chiến trường Nam Bộ là hai mươi ba năm. Như ông từng nói, đó lại là quãng thời gian đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Vậy nên khi gặp ông thấy có nhiều chất Nam Bộ trong tính cách cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng không phải ai cứ ở lâu trong Nam là có tính cách dân Nam. Nhiều người sống với người Nam Bộ hàng chục năm vẫn không hòa đồng được, thậm chí sự pha trộn tính cách một cách gượng gạo rất có thể gây nên sự khó chịu.
Những người có thể hòa đồng một cách tự nhiên với người Nam Bộ như ông Trà là không nhiều.
Ông nhớ lại: “Hồi mới vào đến đơn vị mới, tớ là tiểu đoàn phó. Thông thường là được vào cấp ủy, nhưng tớ nói, tôi vừa ở ngoài Bắc vào, chưa có chiến đấu gì, đề nghị các đồng chí cứ để sau đã. Nói thế chứ mình biết, người trong này, người ta thẳng thắn lắm, anh chưa làm cho người ta tin thì có bầu cũng chưa chắc trúng. Một năm sau, qua mấy trận, ạnh em hiểu mình, chấp nhận mình, thế là chẳng cần cơ cấu người ta cũng cứ bầu”.
Những năm tháng ông chiến đấu và công tác tại quân khu 9 là thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất. Vẫn biết, ở địa bàn nào cũng có những khó khăn, nhưng ở nơi đồng bằng, sông nước, mọi thứ đều phơi mình trên những dòng sông và những cánh đồng, lấy gì che bộ đội, vây quân thù được đây. Thế nên chỉ còn biết dựa vào dân, cùng ăn, cùng ở, cùng sống như những người dân thì mới có thể tồn tại được. Bản thân ông, nếu không nhờ được một người dân không hề quen biết giúp đỡ khi bị thương nằm sát đồn địch thì đã cầm chắc cái chết...
Riết, rồi những tính cách Nam bộ ăn vào máu ông lúc nào không hay. Sau này ông ra Bắc, làm lớn tới Bộ trưởng, những nét đặc trưng ấy của người dân miền Tây vẫn giữ hầu như nguyên vẹn.
Chuyện ăn của ông thật dân dã. Có phần khá xuề xòa. Trên bàn đãi chúng tôi có đủ thịt gà, thịt lợn, cá trắm đen...nhưng ông chỉ ăn hai bát cơm với canh măng và rau. Ông còn khoe, măng nhà đó. Không ngon bằng măng đắng nhưng sạch.
Chuyện mặc thì quả là giản dị. Lúc chúng tôi đến, thấy ông trong bộ quần lửng, áo may ô. Sau về đến phòng khách trên người ông chỉ là bộ bà ba nâu kiểu Phật tử.
Chuyện nói của ông cũng thật gần gũi. Những câu chuyện của cuộc sống con người. Chuyện làm sao cho quê hương phát triển, đồng đội đỡ khó khăn hơn. Chẳng có gì là quan cách, chẳng có gì là cao siêu. Vì ông nói, ông chẳng nghĩ mình là quan, luôn nghĩ mình là dân, về hưu rồi, càng là dân.
Đó chẳng phải là chất Nam Bộ thì là gì?
Bây giờ thì ông đã trở thành người con của miền Tây Nam Bộ. Người dân, tùy theo lứa tuổi, gọi ông là anh Ba, chú Ba, hoặc đơn giản là Ba Trà.
Nhưng cơ mà, ông hầu như không uống rượu. Khách quý, rượu ngon cũng chỉ chút chút thôi. Không có kiểu nhậu dân miền Tây. Không nhậu mà vẫn có tính cách Nam bộ, phải chăng đó cũng là một phẩm chất đặc biệt của anh Ba Trà.
Chiến binh tâm Phật
Ông nhập ngũ đúng dịp kỷ niệm 8 năm Cách mạng Tháng Tám. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó là chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh Biên giới Tây Nam và Biên giới phía Bắc, qua 56 năm quân ngũ, kinh qua tất cả các chức vụ chỉ huy, từ tiểu đội trưởng lên cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân khu, Tổng Tham mưu trưởng rồi đến Bộ trưởng.
Trưởng thành từ người lính trơn lên đến hàm Đại tướng, ông Trà là người suốt đời cầm súng, và còn trở thành chỉ huy của những người lính cầm súng. Không những thế, ông từng bị thương nhiều lần, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu. Chiến binh thực thụ là thế chứ còn gì nữa.
Sau khi nghỉ hưu, ông không đi đánh golf, không đi du lịch nước ngoài mà lại đi vận động quyên góp tiền xây chùa thờ Phật. Mặc cho người nghĩ thế này, người nghĩ thế kia, ông vẫn lẳng lặng làm.
Thực ra ít ai biết rằng, điều đó không phải ngẫu nhiên vì thời thiếu niên, đã có lúc cậu bé Trà đã phải “tạt ngang qua cửa Khổng sân Trình” lên chùa học chữ Hán với sư thày. Ngoài chữ Hán, sư thày còn giúp cậu Trà mở mang hiểu biết về tự nhiên, xã hội, về tính hướng thiện, thuyết luân hồi, nhân quả ...của triết lý đạo Phật.
Nhưng rồi chứng kiến cảnh người dân bị thực dân, phong kiến bóc lột đến tận xương tủy, chứng kiến sự hy sinh của chú và cha mình trong cuộc kháng chiến, bất chấp chưa đủ tuổi đời, chiều cao cân nặng đều thiếu, chàng trai Phạm Văn Trà đã quyết tâm nhập ngũ chiến đấu trả thù nhà, đền nợ nước. Những năm tháng đó, ông dành hết tâm trí cho sự nghiệp của người lính, nhưng trong tâm ông vẫn đau đáu bóng hình ngôi chùa làng với tiếng chuông lan tỏa bên dòng sông Cầu quê hương.
Vì thế, đến khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, được nghỉ hưu, lòng ông lại một lần nữa hướng về cửa Phật. Ông nghĩ ngay đến việc phải khôi phục và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, một tông phái do người Việt - vua Trần Nhân Tông - sáng lập với đỉnh cao của nó là tư tưởng nhập thế, đạo không tách với đời. Phật giáo mà lại nhập thế gắn với quốc gia, với dân tộc và gắn ngay với bản thân mình, ý thức, con người mình, tâm thế của mình với đời sống xã hội. Đó mới chính là ý nghĩa lớn lao của việc xây chùa.
Tính đến nay, vị “Đại tướng đi xây chùa” đã vận động quyên góp xây dựng được 6 ngôi chùa ở miền Bắc và 7 ngôi chùa ở miền Nam.
Thực tiễn - cây đời mãi mãi xanh tươi
Khi nhập ngũ, ông mới học hết lớp bốn. Năm 1958 ông được cử đi học Sĩ quan lục quân nhưng không được nhận do ‘thấp bé nhẹ cân”. Qua thực tiễn đơn vị, ông được phong thiếu úy, rồi đi chiến đấu trong chiến trường, không được học hành bài bản. Mãi đến năm 1978 ông mới được ra Bắc học Học viện Quân sự cấp cao. Có lẽ đó là lớp học chính quy duy nhất mà ông được theo học.
Chính vì thế, có thể nói, ông là con người của thực tiễn, lăn lộn trong thực tiễn, đúc kết những minh triết từ trong thực tiễn, từ thực tiễn mà trưởng thành, thực tiễn ngày càng phong phú, ông lại càng trưởng thành hơn. Đúng như Đại thi hào người Đức Goeth đã nói: Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.
Ông kể mấy chuyện gần đây, khi ông còn làm Bộ trưởng. Sau các chuyến đi kiểm tra các đảo và các xã biên giới, ông thấy bà con đau ốm nhiều lại chỉ tìm đến bệnh xá các đơn vị quân đội. Trong khi đó các cơ sở y tế dân sự lại chẳng có bệnh nhân. Ông đề nghị lập các bệnh xá quân dân y kết hợp. Cùng một lúc lợi cả đôi đường, vừa tiết kiệm cho ngân sách mà bà con được phục vụ tốt hơn nhiều.
Cũng câu chuyện biên giới phía Bắc. Ông thấy, ở ta, khu vực biên phòng ăn sâu vào tới cả chục cây số, không có dân cư sinh sống. Trong khi ở bên kia, người dân có thể sống ở sát ngay đường biên, họ hoạt động gì ta không biết, mà ta có động tĩnh gì họ năm được ngay. Ông đề nghị phải thay đổi. Từ đó mới có chuyện làm đường tuần tra biên giới, sau đó tình hình có nhiều chuyển biến tích cực.
Quê hương - đồng đội
Nếu có thể nói ngắn gọn nhất về cái “chất” của Ba Trà thì không thể không nhắc tới những tình cảm sâu đậm, những hành động rất thiết thực của ông đối với quê hương và đồng đội.
Làng Phù Lãng quê ông, cùng với làng Bát Tràng và Thổ Hà là ba làng gốm nổi tiếng vùng đồng bằng bắc Bộ. Trên đường đi, anh Công trong đoàn có nói đùa, cứ đến chỗ nào hai bên đường xếp đầy tiểu sành và củi đốt là đến.
Mặc dù có nghề phụ, nhưng cuộc sống của người dân trước đây cũng còn nghèo và vất vả lắm. Những năm gần đây, cùng với sự khởi sắc của kinh tế đất nước, bộ mặt của làng đã có rất nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, các thiết chế của nông thôn mới đều được xây dựng gần đây. Những lò gốm bây giờ không chỉ là cơ sở sản xuất mà đã trở thành điểm tham quan du lịch, vừa tăng thu nhập, vừa góp phần quảng bá hình ảnh của làng.
Người dân trong làng từ già đến trẻ đều có nhận xét rằng, những đổi thay đó có phần là nhờ “cụ Trà”. Khó có thể nói hết tình cảm của “cụ” dành cho quê hương mình.
Quả là vậy. Khi qua tuổi 80, Đại tướng Phạm Văn Trà cũng đã bắt tay vào xây dựng cho mình một ngôi nhà lưu niệm. Nhưng ông không muốn biến nơi đây thành một chốn thâm nghiêm, trầm mặc mà muốn làm thành một địa điểm tham quan, thu hút khách du lịch đến với làng. Ngôi nhà lưu niệm nằm sát cạnh nhà khách ba tầng khang trang mà ông cùng dân làng góp sức xây dựng, cộng thêm quần thể các xưởng tranh gốm chắc chắn sẽ làm cho du khách hài lòng. Thế có nghĩa là, kể cả sau này khi ông khuất núi, ông vẫn được thấy du khách thập phương đến thăm và đóng góp cho sự phồn vinh của quê hương.
Trong số khách đó, những người ông mong đợi nhất chính là đồng đội của mình, những người đã cùng ra sống vào chết, những người từng cưu mang ông trong suốt cuộc đời quân ngũ. Ngay hiện tại, nhà ông ngày nào cũng có khách đến chơi. Nếu không thấy ông ở nhà, nghĩa là ông đang đi thăm đồng đội ở đâu đó, thường xuyên nhất là ở phía Nam.
Những chuyến đi như vậy không chỉ để là gặp lại nhau hàn huyên câu chuyện đã qua, mà một trong những mục đích chính là để giúp đỡ các đồng đội có cuộc sống quá khó khăn vất vả.
Việc đầu tiên ông có thể làm là lấy uy tín của mình vận động các nhà hảo tâm, khai thác mọi nguồn kinh phí để xây nhà tình nghĩa cho đồng đội. Đến nay, niềm vui vô bờ bến có được ngôi nhà khang trang đã đến với hơn 600 gia đình.
Việc thứ hai là ông giúp xác minh lại nhiều trường hợp những đồng đội có tham gia đóng góp cho kháng chiến, nhưng do nhiều lý do nay không được hưởng những chính sách đãi ngộ của quân đội, của nhà nước. Công việc này không hề đơn giản, đòi hỏi phải thận trọng, chính xác, nhưng cũng không thể kéo dài mãi. Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, ông đã vận động các cán bộ cả đương chức và hưu trí tham gia giải quyết cho nhiều trường hợp. Có những người đã mất hết hy vọng, khi nhận được sự đãi ngộ mà vẫn ngỡ mình đang nằm mơ…
Cái gì đến sẽ đến
Thiếu tướng, Anh hùng Lê Mã Lương là cấp dưới của ông từ khi còn ở Quân khu Ba. Trải qua hơn ba mươi năm gắn bó, giữa hai người có một tình cảm thật đặc biệt. Họ đều là các vị tướng, khi chiến tranh thì xông pha nơi trận mạc, khi hòa bình rồi vẫn tiếp tục “hoạt động hết công suất” vì xã hội, cộng đồng. Cả hai vị đều là những người lo cho nhà thì ít, lo trăn trở xây dựng những công trình cho các thế hệ mai sau thì nhiều. Thẳng tính, không thích sự vòng vo, đi ngang về tắt.
Chức tước ư, danh hiệu ư, quyền lợi ư...những cái mà người ta phải rất mất nhiều công sức, tiền bạc, phải lao tâm khổ tứ mới có, thì với hai vị tướng này, cái gì đến sẽ đến.
Khi nói về những công việc xây dựng những công trình đền thờ các Anh hùng dân tộc, các nhà tình nghĩa, các chùa chiền mà ông Trà đang triển khai, Tướng Lương có nhận xét rằng, một trong những yếu tố thúc đẩy ông Trà làm công việc này, đó là thực hiện tâm nguyện cuối đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt rất mong mỏi đưa văn hóa đình chùa vào phía Nam, vì đó là cơ sở tôn giáo nhưng lại có khả năng hòa giải, gắn kết lòng người lại với nhau, lấy chữ nhân duyên hòa hợp làm đầu. Đó là một công việc rất đặc biệt, không chỉ là câu chuyện huy động sức người sức của ,mà cần những yếu tố khác, mà khó ai có thể làm nổi ngoài Đại tướng Phạm Văn Trà. Chưa cần nói tới ý nghĩa lớn lao của các công trình mà ông góp công xây dựng, chỉ cần xét tới khối lượng và ý nghĩa của chúng thì ông Trà đã vô cùng xứng đáng nhận danh hiệu Anh hùng Lao động rồi.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Văn Trà đã có. Nếu mai này có Anh hùng Lao động Phạm Văn Trà thì cũng là lẽ tự nhiên thôi
Cái gì đến sẽ đến.