Dự án cao tốc Bắc Nam - mà mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải họp một phiên đặc biệt để xem xét có trình ra Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 3 này không, đang gây rất nhiều sự chú ý trong dư luận, đặc biệt liên quan đến việc 17/20 đoạn tuyến sẽ được làm theo hình thức BOT.
PV đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, người đã có rất nhiều cơ hội tiếp cận sâu các tài liệu liên quan đến dự án này để có thêm thông tin.
PV: Với việc tổng vốn đầu tư của dự án lên tới hơn 312.000 tỷ đồng, trong đó có 17/20 đoạn tuyến của ưu tiên 1 trong giai đoạn 1 được làm bằng hình thức BOT khiến dư luận rất băn khoăn, lo ngại nợ công sẽ tăng, người dân lo ngại sẽ phải chi thêm phí…
Ủy ban Kinh tế được giao nhiệm vụ thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án cao tốc Bắc Nam, rất hiểu về dự án này, ông cho là các lo ngại đó có cơ sở không?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Cao tốc Bắc - Nam thực ra đã bắt đầu triển khai từ năm 2013. Đến 2015 – khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, Quốc hội mới có Nghị quyết 26 tập hợp 20 dự án nhóm A này lại thành công trình trọng điểm quốc gia, phải xin ý kiến Quốc hội. Thực chất, trên tuyến này có nhiều đoạn đã thiết kế, đang thi công…
Những cái ta nói là BOT sai sót thì cũng chưa hoàn toàn chính xác. Nghị định 78 về PPP quy định: Khi ký hợp đồng không qua đấu thầu thì giá tính thời gian thu phí là giá quyết toán được kiểm toán duyệt. Cho nên hơn 100 năm mà Kiểm toán Nhà nước giảm trừ thời gian thu của các dự án là giảm trừ trên giá dự toán, tức là chưa phải là sai phạm.
PV: Khi các dự án BOT trước đây được triển khai, nhiều người cũng băn khoăn về việc họ không có quyền lựa chọn. Vậy với tuyến này, người dân có lựa chọn khác - một tuyến đường không phải đóng phí để đi hay không, hay buộc phải đi cao tốc?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiện người dân đi quốc lộ 1 cũng phải trả phí, chỉ có đi đường Hồ Chí Minh là không. Về mức phí thì Bộ Tài chính vẫn đang khống chế ở 1.500 – 2.000 đồng/km.
Còn mức thực thu của các đoạn tuyến trong cao tốc Bắc – Nam là bao nhiêu thì còn tuỳ thuộc vào cân đối, tính toán của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư, dựa trên số năm thỏa thuận thu phí, trên cân đối sức chịu đựng của người dân và chính nhà đầu tư.
PV: Vậy tại sao ta có đường Hồ Chí Minh rồi vẫn khai thác chưa hết mà lại phải đầu tư một tuyến mới?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Vì đường Hồ Chí Minh bây giờ chưa phải tiêu chuẩn đường cao tốc. Nếu nâng cấp thì nó đi về hướng phía Tây, không kết nối với các trung tâm kinh tế (cao tốc Bắc – Nam là phát triển về phía Đông).
Về cơ bản, tuyến đường Hồ Chí Minh là thiết kế 2 làn ở vùng cấp 3 miền núi, để đảm bảo quốc phòng an ninh và góp phần phát triển kinh tế cục bộ ở các địa phương mà nó đi qua, chứ không có tác dụng liên kết kinh tế vùng và tạo ra một huyết mạch mới.
Thêm vào đó, không phải toàn bộ đường Hồ Chí Minh đều nâng cấp lên cao tốc được, mà có một số đoạn. Anh em đang thiết kế là đoạn nào trùng với đường Hồ Chí Minh thì cho đi trùng (dự kiến bắt đầu từ Bùng (Quảng Bình) đến Tuý Loan (Đà Nẵng), còn đoạn nào không trùng được thì phải mở tuyến mới.
PV: Qua kiểm toán 27 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm. Bản thân ông cũng đã tham gia giám sát các dự án này trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hẳn cũng đã thấy các tồn tại về chính sách hiện chưa được điều chỉnh.
Trong bối cảnh đó, một dự án mới với quy mô rất lớn lại được đề xuất triển khai. Vậy có những gì phải điều chỉnh cho kịp thời?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Khi đã chấp nhận làm BOT thì phải nhường lợi nhuận của Nhà nước cho nhà đầu tư. Cái lợi lớn nhất của Nhà nước là sau một thời gian cho thu phí thì có một con đường để phục vụ người dân, chứ không phải giảm được tiền người dân phải bỏ ra khi đi trên con đường này.
Tiền này là của nhà đầu tư bỏ ra nên họ phải có lợi nhuận, đừng tính toán như DNNN lấy vốn ngân sách nhà nước đi làm.
Sau khi giám sát, thì kết luận lớn nhất rút ra là chúng ta phải làm luật về đầu tư theo dạng đối tác công tư, trong đó phải công khai minh bạch tất cả quá trình triển khai một dự án PPP là như thế nào.
Ban đầu, ta có Nghị định 78 (2009) về thực hiện đối tác công tư, nhưng 3 năm liền chẳng ai làm. Mãi đến 2012, sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 Khoá XI về cơ sở hạ tầng thì mới làm BOT, mà khởi nguồn chủ yếu là giao thông, các công trình hạ tầng cơ sở khác như điện, thuỷ lợi là hầu như không có (vì rủi ro quá cao). Ít nhất, với hạ tầng giao thông, nhà đầu tư còn được quyền thương thuyết giá thu hoặc thời gian thu phí.
Khi triển khai Nghị định 78, chúng ta thấy có rất nhiều bất cập. Lúc đầu, chúng ta quan niệm BOT là 100% vốn nhà đầu tư, không phải vốn ngân sách nhà nước và không phải công trình của nhà nước, chủ đầu tư toàn quyền từ lập dự toán, thi công, chọn nhà thầu…
Tuy nhiên, khi triển khai xong, chúng ta mới “tá hoả” nhận ra đấy chính là mình nhượng quyền cho nhà đầu tư thôi, còn quyền vẫn của Nhà nước nên mới ban hành Nghị định 15/2015.
Sau đó, Kiểm toán Nhà nước mới có điều kiện vào kiểm toán, vì lúc ấy mới xác định đây là công trình của Nhà nước. Đó là lý do vì sao đến tận cuối 2016, Kiểm toán Nhà nước mới vào và đầu năm nay mới có kết quả kiểm toán BOT.
Tôi cho rằng, trong Luật này chúng ta phải quy định trách nhiệm của các bên, trong đó có cả trách nhiệm của người dân nữa. Hiện nay, nếu nói đến khuyết điểm trong triển khai các dự án BOT thì đầu tiên phải là khuyết điểm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngay từ đầu, việc công bố thông tin để cho người dân biết, người dân giám sát là chưa rõ ràng, nên mới có tình trạng làm một tuyến đường xong mà cả 3 bên liên quan đều thấy mình thiệt. Người dân, bao gồm cả người sử dụng và người phải di dời đều không thấy hài lòng - người sử dụng bảo phí quá cao, người bị di dời bảo đền bù quá thấp.
DN thì bảo phí cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa. Nhà đầu tư thì bảo đội vốn. Chính quyền địa phương ban đầu cũng hồ hởi vì có đường, nhưng đến lúc người dân kiện thì lại gửi kiến nghị lên Chính phủ. Làm mà tất cả đều không hài lòng thì làm làm gì?
PV: Ông cũng thấy dư luận phản ứng về BOT không phải là ít, và những phản ứng đó không phải không có căn nguyên.
Ông Nguyễn Đức Kiên: Bản chất vấn đề ở đây là nhà đầu tư họ không công khai, minh bạch doanh thu, vì thế, chúng ta muốn áp dụng thu điện tử để kiểm soát.
Còn dư luận trái chiều về BOT, theo tôi là vì chúng ta chưa công khai minh bạch và chưa đối thoại với xã hội nên người ta có quyền bày tỏ quan điểm, và chúng ta phải chấp nhận. Nhưng khi họ bày tỏ quan điểm thì lại chưa giải thích đến nơi đến chốn. Tôi cho rằng xây dựng luật sẽ giải quyết được 60 – 70% trong các vấn đề đang tồn tại.
PV: Xin cảm ơn ông!