Có khoản tiết kiệm khổng lồ, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thắt chặt chi tiêu hậu đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc tích luỹ được khoản tiền tiết kiệm khổng lồ. Song, họ chưa chắc sẽ đẩy mạnh chi tiêu ngay cả khi quốc gia này đã từ bỏ chính sách zero Covid.
Việc người dân Trung Quốc ngại chi tiêu có thể gây ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Ảnh: Shutterstock)

Việc người dân Trung Quốc ngại chi tiêu có thể gây ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Ảnh: Shutterstock)

Khoản tiết kiệm khổng lồ

Đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay là một tín hiệu tốt lành, nhưng kéo theo nó là một điều bất trắc: liệu các hộ gia đình và doanh nghiệp lớn có sẵn lòng rút đống tiền mà họ tiết kiệm được kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hay không.

Các hộ gia đình Trung Quốc, do các lệnh phong toả giai đoạn COVID-19, đã tích luỹ được một khoản tiết kiệm dôi thừa và đẩy tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình lên mức cao 33% trong năm 2022, tăng 3% so với xu hướng tiền đại dịch vào năm 2019, theo ước tính của Goldman Sachs.

Các công ty công nghiệp và công ty xuất khẩu lớn cũng tích luỹ được một khoản tiền không nhỏ. Từ năm 2020 đến 2022, các công ty công nghiệp lớn, nhiều trong số đó là công ty nhà nước, đã thêm 1,1 nghìn tỉ USD vào tài sản lưu động theo mức tính trung bình hàng năm, gấp hơn 2 lần so với mức tăng hàng năm 467 tỉ USD trong giai đoạn 5 năm trước khi COVID-19 xuất hiện, theo các nhà kinh tế học đến từ ngân hàng đầu tư China International Capital Corp.

Mỹ, khoản tiết kiệm dôi thừa – một phần đến từ gói kích thích của chính phủ - cũng đã nhanh chóng tác động tới nền kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi rằng liệu Trung Quốc cũng sẽ xuất hiện sự phục hồi trong chi tiêu hoặc đầu tư, tương tự như ở Mỹ, trong năm nay hay không.

Các nhà kinh tế học đến từ HSBC và Morgan Stanley cho rằng, việc Trung Quốc chấm dứt chính sách zero-COVID ít nhất sẽ giúp cho chi tiêu vào lĩnh vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, vực dậy đà tăng trưởng tiêu thụ lên ít nhất 8%/năm, tương đương với giai đoạn trước dịch. Dữ liệu từ dịp nghỉ lễ Tết nguyên đán ở Trung Quốc vừa qua cho thấy, một số người tiêu dùng ở nước này lấy lại hứng thú với việc ăn tối ở nhà hàng và đi xem phim tại rạp.

Một số chuyên gia kinh tế khác lại cảm thấy hoài nghi về xu hướng đó. Họ cho rằng khoản tiết kiệm dôi thừa ở Trung Quốc là sự phản ánh về niềm tin bị suy giảm, và khó có thể phục hồi nhanh chóng. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tỏ ra lo ngại bởi thị trường nhà ở suy sụp cùng với bức tranh việc làm bất trắc. Tâm lý này có thể khiến họ tiếp tục tiết kiệm tiền trong khoảng thời gian lâu hơn.

“Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng khoản tiền tiết kiệm dôi thừa mà các hộ gia đình tích luỹ được sẽ tiếp động lực cho chi tiêu trả đũa”, ông David Wang, Kinh tế trưởng của Credit Suisse, cho hay.

Tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình Trung Quốc đạt 33% trong năm ngoái (Ảnh: Reuters)

Tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình Trung Quốc đạt 33% trong năm ngoái (Ảnh: Reuters)

Thắt chặt hầu bao

Đà phục hồi tiêu dùng chậm chạp ở Trung Quốc có thể tác động tới toàn thế giới, làm giảm doanh số bán hàng của các công ty như Nike, Starbucks và các hãng sản xuất xe hơi, và kết quả là nhu cầu các loại hàng hoá như đồng và nickel thấp hơn so với kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp đang phải dựa vào Trung Quốc – nước được dự báo sẽ đóng góp tới 1/3 đà tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, khi đà tăng trưởng của Mỹ và châu Âu chậm lại, theo IMF.

Khoản tiết kiệm dôi thừa của các hộ gia đình đã đẩy thặng dư tài khoản vãng lai lên tới 417,5 tỉ USD trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2008. Nhưng khoản tiền tiết kiệm này lớn cỡ nào, không ai có thể biết rõ. Nhiều nhà kinh tế học quan ngại về chất lượng thu thập dữ liệu ở Trung Quốc nên đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tính toán.

Goldman Sachs ước tính rằng, trong giai đoạn 2020-2022, các hộ gia đình Trung Quốc đã tích luỹ được khoảng 3 nghìn tỉ NDT, tương đương 431 tỉ USD, tiền tiết kiệm dôi thừa, thấp hơn 3% GDP của Trung Quốc. Các nhà kinh tế học đến từ Nomura và UBS thì đưa ra con số cao hơn, 6,1 nghìn tỉ NDT và 4,6 nghìn tỉ NDT (theo thứ tự), tương đương 5% và 4% GDP trong năm 2022.

Mặc dù lớn, nhưng những con số này thấp hơn so với Mỹ, nơi mà các hộ gia đình tích luỹ được 2,3 nghìn tỉ USD tiết kiệm dôi thừa trong khoảng thời gian từ 2020 đến tháng 9/2021, gần 10% GDP năm 2021, theo một nghiên cứu được Fed công bố.

Một phần lớn số tiền gửi mà các hộ gia đình tích luỹ được trong năm ngoái là các khoản tiết kiệm kỳ hạn 3-5 năm, bởi vậy không thể dễ dàng rút ra chi tiêu như các khoản tiền gửi ngắn hạn, theo nghiên cứu của Rhodium Group.

Do chính phủ Trung Quốc đã ngừng chương trình hỗ trợ tiền trực tiếp cho các hộ gia đình trong khoảng thời gian đại dịch, nên người dân có thể cần thêm một khoảng thời gian để phục hồi niềm tin vào đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc và rút khoản tiền tiết kiệm ra tiêu xài, theo chuyên gia kinh tế Tao Wang đến từ UBS.

Cũng liên quan tới động lực chi tiêu của người tiêu dùng là đà tăng trưởng thu nhập và thị trường việc làm, mà cả hai đều đang phục hồi chậm chạp, theo các nhà kinh tế học.

Zhou Changtian, làm việc tại một nhà xuất bản ở Thượng Hải, đã tiết kiệm được nhiều tiền hơn trong 3 năm vừa qua bởi gia đình ông không thể đi du lịch nước ngoài. Mặc dù không quá lo ngại về vấn đề việc làm, nhưng ông vẫn không dám chi tiêu quá nhiều một phần bởi lo về lạm phát khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

“Trước COVID-19, chúng tôi chỉ tốn khoảng 1.000 NDT (145 USD) để tích trữ thịt trong tủ lạnh. Giờ con số đó đã tăng gấp đôi,” ông Zhou nói. “Chắc chắn tôi sẽ không dám chi tiêu bạo tay.”

Một số công ty đang nới lỏng hầu bao của họ vì kỳ vọng vào đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Một số công ty công nghiệp ở Trung Quốc đã công bố các dự án cỡ bự, bao gồm Ganfeng Lithium – một trong số những hãng tinh chế kim loại chiến lược lớn nhất thế giới. Tháng trước, công ty này công bố khoản đầu tư 15 tỉ NDT (2,2 tỉ USD) để xây dựng 2 nhà máy chế tạo pin ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Larry Hu, trưởng kinh tế gia Trung Quốc tại Macquarie Group, lại tỏ ra thận trọng khi nói về động lực chi tiêu của doanh nghiệp. Ông dự đoán chi phí tài sản cố định sẽ đi ngang so với năm ngoái, một phần là bởi sự bất trắc tại các công ty xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu đang giảm.

Một vấn đề quan ngại khác: Ngay cả những công ty lớn đủ khả năng tiết kiệm tiền bằng cách trì hoãn các khoản đầu tư trong giai đoạn đại dịch, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ lại phải rút tiền tiết kiệm ra chi tiêu để sống sót. Nhiều doanh nghiệp nhỏ bởi vậy mà đang “đi trên dây” hoặc đã biến mất./.

Theo Wall Street Journal