Bộ Công an cho biết, đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong đó, đã dẫn độ được 7 đối tượng về Việt Nam, gồm: Phạm Thế Vinh, Nguyễn Hà Lan, Phạm Thúy Ngân và Nguyễn Xuân Đại từ Liên bang Nga, Lê Quang Nhật từ Cộng hòa Ukraine, Phùng Hữu Sơn từ Cộng hòa Séc và Phạm Minh Đại từ Belarus. Cùng với đó, có đối tượng Nguyễn Tất Kiên bị bắt giữ tại Australia khi bỏ trốn về Việt Nam.
Có 4 trường hợp yêu cầu dẫn độ bị phía nước ngoài từ chối, gồm Nguyễn Trần Hường bị Nhật Bản từ chối, do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Nhật Bản; Nguyễn Hải An bị Cộng hòa Séc từ chối do đối tượng được cấp quy chế tị nạn tại Séc; Phạm Mạnh Hùng bị Thái Lan từ chối do đối tượng được Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn cấp quy chế tỵ nạn và đã được Canada tiếp nhận; Đào Thanh Tùng bị Liên bang Nga từ chối do đang chấp hành án về một tội thực hiện trên lãnh thổ Nga.
Đặc biệt, đối tượng Nguyễn Văn Trung từ Campuchi trở về Việt Nam và ra trình báo với cơ quan chức năng về việc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chấp hành hình phạt về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ tại nước ngoài.
“Trong thế giới hội nhập và cuộc cách mạng 4.0 tác động trên toàn thế giới, tình hình tội phạm có yếu tố ngước ngoài, yếu tố quốc tế ngày càng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm ngày càng hiểu biết, có kiến thức pháp luật, có tiền, sẵn sàng tìm đến các quốc gia có quy định pháp luật khác biệt với Việt Nam để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật”, Bộ Công an nhận định.
Minh chứng cho điều này, Bộ Công an công bố thống kê, đến hết tháng 5/2019, số đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 đối tượng; hiện chưa thống kê được tình hình công dân Việt Nam ở nước ngoài vi phạm và đang lẩn trốn sự trừng phạt của pháp luật nước sở tại nhưng ước tính lên đến con số hàng ngàn.
Từ thực tiễn trên, Bộ Công an đề xuất Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Đạo luật về dẫn độ cần bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật; nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia,…
Lệnh truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống lệnh truy nã hiện có của Interpol, chính thức có hiệu lực tại lãnh thổ các quốc gia thành viên Interpol. Thời hạn có hiệu lực thi hành đối với một lệnh truy nã đỏ là 5 năm, nếu hết hạn thi hành mà vẫn chưa bắt được đối tượng truy nã thì Interpol lại quyết định gia hạn hiệu lực thêm 5 năm nữa cho tới khi nào bắt được đối tượng mới thôi. |