Sáng 31/10, phiên tòa phúc thẩm xét xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng), Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) và Trần Văn Lâm (41 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P) chuyển sang phần tranh luận.
Trước khi bị cáo và luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát quân sự Trung ương trình bày quan điểm về các nội dung kháng cáo và kiến nghị liên quan vụ án.
VKS kiến nghị chấp nhận một phần kháng cáo của Út "trọc"
Trong số 7 nội dung kháng của Đinh Ngọc Hệ, Viện kiểm sát quân sự Trung ương cho rằng chỉ có nội dung liên quan việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ là có căn cứ. Theo hồ sơ cơ quan chức năng cao cấp, Út “trọc” được tặng Huân chương Lao động hạng 3 nhưng không do Bộ Quốc phòng đề nghị. Ngoài ra, bị cáo được tặng huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1 và một số bằng khen của Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch UBND các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp.
Tòa sơ thẩm nhận định các huân huy chương Út “trọc” được tặng khi sử dụng bằng giả nên không công nhận. Viện kiểm sát quân sự Trung Ương thấy rằng việc kiến nghị hủy các hình thức khen thương liên quan bằng đại học giả là chính xác. Tuy nhiên, bằng khen của Bộ GTVT và các địa phương ghi nhận đóng góp của Đinh Ngọc Hệ về công tác an sinh xã hội, không liên quan đến bằng cấp nên cần xem xét để được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Bị can Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc"). Ảnh:T.P. |
Đề cập đến 6 nội dung không có cơ sở kháng cáo, đại diện cơ quan công tố cho rằng Út “trọc” có đủ yếu tố phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Vi phạm xảy ra khi ông Hệ là sĩ quan quân đội, lợi dụng tư cách Chủ tịch HĐQT và danh nghĩa người quản lý phần vốn, nên việc đánh giá hành vi không phụ thuộc vào việc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn là công ty nhà nước hay tư nhân. Cáo buộc của tòa sơ thẩm là đúng pháp luật nên nội dung kháng cáo không có cơ sở.
Đối với sai phạm trong việc ký hợp đồng giả để hợp thức 20.000 lít xăng kém chất lượng ở Bình Dương, Đinh Ngọc Hệ phủ nhận vai trò liên quan như bản án sơ thẩm quy kết.
Tuy nhiên, căn cứ lời khai của ông Nguyễn Thanh Cung (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), đồng phạm Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp, Viện kiểm sát quân sự Trung ương thấy rằng Út “trọc” có vai trò chủ mưu trong việc lập khống hồ sơ thể hiện số xăng dầu là của Sư đoàn 367 nhằm né tránh việc bị xử lý.
Ngoài ra, cơ quan công tố cũng cho rằng nội dung kháng cáo về hành vi sử dụng bằng giả là không có căn cứ. Tại tòa sơ thẩm, HĐXX đã chứng minh bị cáo sử dụng bằng giả là có chủ đích. Không học, không thi, Út “trọc” chỉ bỏ tiền mua bằng đại học nhưng vẫn kê khai vào hồ sơ để nâng lương, nâng quân hàm sĩ quan.
Trước tòa sơ thẩm, Đinh Ngọc Hệ thừa nhận hành vi nên tòa áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Theo Viện kiểm sát, việc bị cáo ký vào hồ sơ do người khác kê khai có lợi cho bản thân nên phải chịu trách nhiệm. Việc cán bộ kê khai không đúng, tòa sơ thẩm đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét công tác quản lý cán bộ để tránh xảy ra vụ việc tương tự.
Cơ quan công tố nhận định việc nhập, khởi tố vụ án, truy tố bị là đúng quy định pháp luật, không oan sai, bỏ lột tội phạm. Quá trình xét xử, mức án và hình phạt bổ sung được đưa ra đều đúng quy định pháp luật. Với những người chưa có căn cứ xử lý hình sự, nếu thấy có dấu hiệu bỏ lọt, bị cáo có quyền tố cáo.
Kiến nghị xử lý lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn
Trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo ông Phùng Danh Thắm đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ bản ản, nhưng sau đó chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Đại diện viện kiểm sát cho rằng với chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng, ông Thắm đã buông lỏng quản lý công ty con là Công ty cổ phần phát triển đầy tư Thái Sơn Bộ Q.P, dẫn đến việc Đinh Ngọc Hệ thế chấp, giao xe biển xanh không đúng quy định
Bị cáo Phùng Danh Thắm cũng không có biện pháp giám sát quân nhân dưới quyền, để Út “trọc” cấu kết với người khác lập hồ sơ giả nhằm né tránh việc xử lý 20.000 lít xăng kém chất lượng. Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng nhưng căn cứ các tình tiết giảm nhẹ, Viện kiểm sát quân sự Trung ương đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt khác cho ông Thắm.
Bên trong phiên tòa sơ thẩm xét xử Út "trọc". Ảnh:Q.S. |
Đề cập đến việc bị cáo Trần Văn Lâm xin được hưởng án treo, kiểm sát viên cho rằng ông Lâm là đồng phạm của Đinh Ngọc Hệ, giữ vai trò thực hành, không phải thứ yếu. Tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo 5 năm tù là đã xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.
Còn các giấy khen do tổ dân phố và địa phương trao tặng hay giấy tờ thể hiện bị cáo đã nộp hết các khoản tiền theo bản án sơ thẩm, theo cơ quan công tố không phải tình tiết giảm nhẹ mới, nên không có căn cứ để kháng cáo.
Do đó, Viện kiểm sát quân sự Trung ương đề nghị HĐXX sửa hình phạt với Đinh Ngọc Hệ, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chuyển hình phạt khác nhẹ hơn với Phùng Danh Thắm, xem xét trừ các khoản chi hợp hợp lý đối với số tiền hơn 6 tỷ đồng truy thu từ công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P liên quan việc cho thuê xe biển xanh.
Ngoài ra, cơ quan công tố đề nghị tòa phúc thẩm xem xét xử lý ông Cung Đình Minh (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) và một số người khác liên quan việc cho thuê 4 xe ôtô công vụ khi được giao nhiệm vụ quản lý phần vốn tại công ty Thái Sơn Bộ Q.P.
Út “trọc” nói lời sau cùng
Trong phần tranh luận kéo dài đến 13h, các bị cáo, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và luật sư bào chữa tiếp tục nêu các luận cứ liên quan đến nội dung kháng cáo. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát quân sự Trung ương vẫn giữ nguyên quan điểm về căn cứ kháng cáo của các bị cáo và Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.
Trước khi Tòa quân sự Trung ương tuyên án vào lúc 16h cùng ngày, các bị cáo được nói lời sau cùng. Ngoài mong muốn HĐXX công tâm xem xét vụ án khi đưa ra phán quyết, Út “trọc” gửi lời xin lỗi đến các lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị các cấp, bạn bè, đồng đội và người thân.
Trong lần trình bày cuối cùng trước tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Văn Lâm nói rằng bị cáo phải hầu tòa vì nghĩ mọi chuyện đơn giản. Nếu biết trước là vi phạm pháp luật, bị cáo sẽ không bao giờ làm.
Bị cáo Trần Văn Lâm trình bày trong vụ án này, bị cáo không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
“Bị cáo muốn chứng minh, giải trình, làm rõ việc bị cáo phạm tội hoàn toàn do chủ quan. Nếu biết đó là hành vi phạm tội thì dù có đánh đổi bất kỳ gì bị cáo cũng không bao giờ làm. Dù công ty có bị phạt hơn 1,4 tỷ bị cáo cũng không làm. Bị cáo không được hưởng lợi gì hết” - nguyên Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nói và mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Còn cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - ông Phùng Danh Thắm trình bày với tư cách người đứng đầu đơn vị, bị cáo đã nhận một phần trách nhiệm về sự việc xảy ra. “Tại tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo đã khai báo, không né tránh trách nhiệm. Bị cáo mong HĐXX xem xét chu đáo, chi tiết để bị cáo được về phục vụ quân đội, phục vụ Tổng công ty”, ông Thắm nói.
Tòa án quân sự Trung ương cho biết sẽ tuyên án vào 14h ngày mai, 1/11.
Theo bản án sơ thẩm, Đinh Ngọc Hệ đã thế chấp, cho thuê mượn nhiều xe quân sự, xe biển xanh trái quy định để thu hơn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Hệ còn câu kết cùng bị cáo Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng 367, Quân chủng Phòng không - Không quân) và đồng phạm làm giả hợp đồng, mạo nhận 20.000 lít xăng kém chất lượng ở Bình Dương là của Sư đoàn 367 gửi để né tránh việc xử lý của lực lượng chức năng. Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ còn mua, sử dụng bằng đại học giả. Với cáo buộc này, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt Đinh Ngọc Hệ 12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Bị cáo Trần Văn Lâm bị tuyên phạt 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Phùng Danh Thắm 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. |
Theo Zing News
Link gốc: https://news.zing.vn/co-bang-khen-cong-tac-xa-hoi-ut-troc-duoc-xem-xet-mot-phan-khang-an-post888493.html