Chủ tịch VATAP cho biết, có đến 32 nhóm ngành hàng bị làm giả. Các mặt hàng bị làm giả rất đa dạng, từ điện lạnh, rượu bia, nước giải khát, cho đến thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản...
Các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bán cho các cơ sở lén lút gia công, đóng gói, sản xuất ngay trong nước.
Tuy nhiên, VATAP đánh giá, việc hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm bản quyền "tung hoành" trên thị trường còn có nguyên nhân từ việc chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có lúc, chưa nghiêm túc, thậm chí còn có hiện tượng bao che, tiếp tay cho việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Về thủ đoạn, các đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
Theo VATAP là do điều kiện địa hình, giá cả, chất lượng hàng hóa trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, do lợi nhuận cao, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoạt động ngày càng tinh vi…
Công tác kiểm tra, xử lí hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lí vi phạm.
Hơn thế, kết quả giám định là cơ sở để cơ quan thực thi xử lí hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc kiểm soát, giám định cũng là một vấn đề, mỗi giám định mỗi kiểu và mỗi lần giám định cho kết quả khác nhau.