Clip toàn cảnh ICT Việt Nam 2017
VietTimes -- Trong năm 2017 vừa qua, có rất nhiều vấn đề liên quan đến những chính sách trong lĩnh vực ICT được đông đảo xã hội và cộng đồng ICT quan tâm, như việc các nhà mạng rầm rộ khai trương và cung cấp dịch vụ 4G đến người dân, hay các ông lớn trong nội dung số như Facebook và Google đã phải nhượng bộ trước những áp lực của Việt Nam đòi hỏi phải ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc.
Bức tranh ICT (Công nghệ thông tin - Truyền thông) 2017 có nhiều gam mầu sáng tối được nhìn qua lăng kính của 50 nhà báo theo dõi lĩnh vực này (Nguồn: CLB nhà báo CNTT)
Năm 2017, có rất nhiều vấn đề liên quan đến những chính sách trong lĩnh vực ICT được đông đảo xã hội và cộng đồng ICT quan tâm như việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận bỏ Điều 292 trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 2015 liên quan đến tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Việc bãi bỏ Điều 292 có thể thấy Quốc hội và Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc xử lý các thông tin bức xúc của người dân, đồng thời thể hiện đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, xây dựng môi trường pháp lý chuyên nghiệp và thuận lợi cho sự phát triển. Tuy nhiên, dự thảo Luật An ninh mạng cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều trong năm 2017 bởi có thể chồng chéo với Luật An toàn thông tin đã được ban hành và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế số
Một trong những điểm nhấn của bức tranh ICT Việt Nam khi trong năm 2017 các nhà mạng rầm rộ khai trương và cung cấp dịch vụ 4G cho người dân. Tâm điểm của 4G Việt Nam là sự kiện Viettel không phải là nhà mạng đầu tiên khai trương 4G nhưng lại là nhà mạng triển khai mạng 4G lớn nhất với 36.000 trạm thu phát sóng, phủ 95% dân số. Mặc dù Việt Nam là nước đứng thứ 160 về kinh tế trên thế giới nhưng lại đầu tư một mạng lưới viễn thông lớn nhất thế giới. Việc các nhà mạng đầu tư vào 4G sẽ giúp cho mỗi người dân Việt Nam có cơ hội truy cập Internet một cách tốt nhất để giải trí, học tập, kiếm sống và đây chính là cơ hội cho những quốc gia đang phát triển để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo. Điều này cũng cho thấy một xu hướng mạnh mẽ khi viễn thông giờ đây không chỉ là viễn thông nữa, nó có thể xâm nhập vào IT, vào các ứng dụng, vào giáo dục, y tế, ... len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, con người sẽ trở nên thông minh hơn, các thành phố sẽ trở nên thông minh hơn, quốc gia cũng trở nên thông minh hơn. Ngành viễn thông nếu chỉ là viễn thông thì sẽ đóng góp khoảng 4% vào GDP của đất nước. Nếu viễn thông có thể len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngành này có thể là 15%, thậm chí 20% của GDP.
Bức tranh ICT năm 2017, còn cho thấy những bước đầu các ông lớn trong nội dung số là Google và Facebook đã phải nhượng bộ trước những áp lực của Việt Nam ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Sau khi làm việc với Bộ TT&TT Google đã cam kết sẽ gỡ bỏ toàn bộ kênh nếu như trên kênh đó đăng clip vi phạm. Đây là một kết quả rất tốt trong việc đàm phán cơ chế giải quyết vi phạm với Google. Trước đây Google và Facebook chỉ gỡ bỏ clip vi phạm sau khi nhận được yêu cầu xử lý, nhưng bây giờ nếu phía Việt Nam phát hiện, lọc ra và gửi thì Google cam kết sẽ gỡ bỏ cả kênh vi phạm. Cụ thể Google đã gỡ bỏ 4.500 trên tổng số 5.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Việt Nam cũng thuộc nhóm các nước được Google đáp ứng yêu cầu cao nhất trên toàn thế giới.
Trong năm 2017 cũng xuất hiện nhiều xu hướng mới được xem là sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế số của Việt Nam. Cụ thể, đồng tiền ảo bitcoin đã làm khuynh đảo thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, sau 8 năm ra đời. Bất chấp các khuyến cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc không chấp nhận bitcoin trong các giao dịch, các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn lao vào cuộc chơi, kiểu “tâm lý đám đông”. Không có con số thống kê cụ thể nhưng chắc chắn nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã phải chịu cảnh “điêu đứng” theo thị trường của đồng tiền ảo này.
Sự kiện Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 với sự có mặt của Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba với phiên đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc và câu chuyện toàn cầu hóa, đã và đang truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời sự kiện này cũng được dự kiến sẽ tác động đến tương lai của thương mại điện tử Việt Nam, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên các thiết bị di động.
Tháng 12/2017 đánh dấu mốc 20 năm Interrnet có mặt tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng Internet hàng đầu trong khu vực. Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.