Chuyện triều đình phương Bắc thèm khát nước mắm Việt

Phải chăng vào thời phong kiến, triều đình phương Bắc khăng khăng đòi cống nước mắm không chỉ vì phục vụ bữa tiệc cung đình mà còn muốn tự nhắc nhở không được quên việc chinh phạt vùng đất sản sinh ra nước mắm khi có cơ hội?
Cho dù có học cách làm mắm đi chăng nữa thì cũng chẳng thể ngon như nước mắm của người Việt vốn được truyền từ đời này qua đời khác.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt thì có thể nói mâm cơm của người Việt luôn gắn chặt với bát nước mắm. Lịch triều hiến chương loại chí (1821) của Phan Huy Chú, phần Quốc dụng chí chép: năm Thuận Thiên thứ 5 (1013), đời Lý Thái Tổ, triều đình quy định nước mắm là một trong 6 loại thổ sản phải đóng thuế biệt nạp, thay vào thuế nhân đinh. Người phương Bắc cũng thèm khát nước mắm của người Việt đến mức chuyện này được ghi vào sử sách.

Đại Việt sử ký toàn thư quyển 1 trong Kỷ nhà Lê, phần viết về Đại Hành hoàng đế có chép: “Đinh Dậu, Ứng Thiên năm thứ 4 (997)… mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thế bắt đóng góp. Đến đây Tống Chân Tông, nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới gọi đến nhận mệnh, không sai sứ sang nữa”.

Như vậy là ngay từ năm 997, nước mắm  Việt đã có thương hiệu và uy tín đến mức mà vua Tống cũng phải biết đến và thèm khát. Dân ven biển ở Trung Quốc khi đó có lẽ chỉ có thể biết làm muối chứ làm mắm thì chịu. Cho dù có học cách làm mắm đi chăng nữa thì cũng chẳng thể ngon như nước mắm của người Việt vốn được truyền từ  đời này qua đời khác, chắt chiu kinh nghiệm để cho ra những giọt nước đặc biệt, là vua trong các loại nước chấm.

Sẽ không có gì thiệt nếu cần phải hiểu thêm một chút về ngoại giao Việt – Tống thời điểm nhà Tiền Lê. Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi. Tháng 8, cùng năm, vua Tống xuống chiếu đem quân xâm lược Đại Cồ Việt. Tháng 10 cùng năm, vua Lê Hoàn sắp phát binh. ngày 24.1.981 cánh quân thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào cửa Bạch Đằng. Sau khi thủy quân Tống đánh trận Bạch Đằng khoảng 5 ngày, tức là vào 30.1.981, lục quân Tống dưới sự chỉ huy của Hầu Nhân Bảo tới Hoa Bộ. Đến mùa hạ 985, đánh tan dược quân của Hầu Nhân Bảo. Quân Tống thảm bại.

Sau cuộc chiến này, Đại Tống chấp nhận xuống nước, đến năm 986 chính thức thừa nhận Lê Hoàn là người cai trị Đại Cồ Việt. Hai bên giao hảo, cứ 2 năm một lần Đại Cồ Việt triều cống Đại Tống còn Đại Tống ban sắc phong cho Lê Hoàn.  Lê Hoàn nhiều lần chẳng coi sứ giả nhà Tống ra gì, nhiều lần bỡn cợt.

Năm 990, khi đón sứ nhà Tống, vua cố tình lệnh cho việc đón tiếp sứ sơ sài, nơi sứ quán đồ cung cấp không được đầy đủ. Khi sứ bộ nhà Tống sắp vào thành thì mới có gian nhà lợp tranh đề chữ “Mao kính dịch” (trạm qua đường lợp tranh). Vua ra ngoài giao (ngoại vi đô thành) để đón. Muốn làm cho sứ khiếp sợ, liền cho bày đặt thủy quân và chiến cụ để khoe, cờ xí bay rợp trời. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần. Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện nhưng không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Tống Cảo và Chế Tắc chẳng biết vì sợ uy vua và quân đội Đại Cồ Việt đang rầm rầm trước mặt hay chăng mà bỏ qua luôn cả nghi lễ trọng đại góp phần tỏ rõ “ân uy” phương Bắc.

Ngày hôm sau, vua bày yến tiệc thết đãi, lại dẫn sứ ra bờ sông xem các trò chơi tiêu khiển. Để dọa sứ Tống, trong khi thết yến, vua cầm cần câu xuống sông để câu cá. Sau lại sai người đem đến một con rắn dài và hai con hổ dữ gọi là thưởng ngoạn dã thú. Sứ Tống nhìn thấy thì chân tay rụng rời, chỉ sợ bị rắn đớp, hổ vồ, còn đâu tinh thần mà ứng đối nữa. Nhân đó, vua liền bảo với Tống Cảo rằng:  Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa.

Thậm chí, vào năm 995, quân Đại Cồ Việt đã có hành động tiến quân sang đất Tống, như ở trấn Như Hồng thuộc địa phận châu Khâm. Nhà Tống gửi thư trách, nhưng Lê Hoàn đã trả lời khá "ngạo mạn":

Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở cõi ngoài, hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Nhung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?

Có thể nói đến thời điểm 997 thì Lê Hoàn chẳng ngại nhà Tống chút nào mà nhà Tống nhiều chuyện còn phải nín nhịn Đại Việt để tìm lấy sự bình an ở biên giới phía Nam. Do vậy, nhà Tống từ khi đó không dám cử sứ sang nước ta hống hách nữa mà chỉ cần có ít cống phẩm của phương Nam, đặc biệt như nước mắm là vui. Chi tiết đó đủ cho thấy dù được nhiều món sơn hào hải vị nhưng giới cai trị phương Bắc chưa lúc nào quên đến món nước mắm phương Nam. Phải chăng vào thời phong kiến, triều đình phương Bắc khăng khăng đòi cống nước mắm không chỉ vì phục vụ bữa tiệc cung đình mà còn muốn tự nhắc nhở không được quên việc chinh phạt vùng đất sản sinh ra nước mắm khi có cơ hội?

Sau này khi xâm lược được nước ta, phương Bắc lại một lần nữa động vào hũ mắm của người Việt. Đại Việt sử ký toàn thư quyển 9 phần thuộc Minh chép:

Ất Mùi, năm1415, (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 13). Mùa thu, tháng 8, nhà Minh khám thu các mỏ vàng, bạc, mộ phụ đãi nhặt vàng bạc và bắt voi trắng, mò trân châu. Thuế khóa nặng, vơ vét nhiều, dân chúng điêu đứng. Bãi muối ven biển cấm dân mua bán riêng, sai nội quan coi giữ cả. Lại đặt chức cục sứ và phó của từng bãi muối để chia nhau trông coi. Các phủ, châu, huyện đêù đặt phó sứ ty Thuế khóa và sở Hà bạc. 

Phép lấy muối của nhà Minh: Trước hết sai viên cục sứ và viên phó đốc thúc dân nấu muối, mỗi tháng được bao nhiêu đưa tới ty Đề cử thu giữ. Các viên nội quan mộ người buôn bỏ tiền ra lĩnh giấy khám hợp của ty Bố chính. Giấy khám hợp lớn thì lấy 10 cân muối, giấy khám hợp nhỏ thì lấy 1 cân rồi mới  được  đem bán. Nếu không có giấy [giấy khám hợp] thì [xử tội] như luật nấu lậu. Lại cấm người đi đường, lệ chỉ được đem 3 bát muối và 1 lọ nước mắm thôi”.

Ghi chép như vậy để thấy giặc nhà Minh đã gắng kiểm soát độc quyền trong việc phân phối muối và mắm của người Việt. Đó chính là cách để chúng thâu tóm nền kinh tế của nước ta vì biết người dân Việt không thể sống thiếu nước mắm. Nhưng mọi mưu đồ xâm lược của phương Bắc đều không khuất phục được ý chí người dân Việt. Không ai có thể bóp nghẹt được bát nước mắm trên mâm cơm người Việt.

Theo Một thế giới