|
"Bầu" Đức trao đổi bên lề với PV và các nhà đầu tư. (Ảnh: baodauthau.vn) |
Hai đại hội được tổ chức trong cùng một ngày, tại cùng một địa điểm đều xuôi chèo mát mái, tất cả các tờ trình đều đã được thông qua. Lúc này, “bầu” Đức và các cộng sự của ông đã có thể chuyên tâm vào công cuộc tái cơ cấu và giải cứu tập đoàn.
Trao đổi với phóng viên và các nhà đầu tư bên lề đại hội, người sáng nghiệp HAGL thẳng thắn thừa nhận thực tế ngặt nghèo ở doanh nghiệp mình.
Tóc ông cũng bạc đi nhiều so với một năm về trước, những phát ngôn cũng “đằm” hơn. Nhưng niềm tin có lẽ là điều chưa bao giờ đổi khác ở người đàn ông Bình Định này.
Từ đáy của cuộc khủng hoảng, ông vẫn luôn lạc quan và vững tin ở tương lai tập đoàn, rất may là như vậy. “Bọn anh không chết được đâu, HAGL đã chạm đáy khó khăn rồi, từ 2017 sẽ chỉ khá dần lên thôi”, ông nói.
Chuyện về 20.000 hecta cao su
Có người bảo ông Đức đã không gặp may, song cũng có người nhận định, rằng ông thiếu tầm nhìn chiến lược. Nhưng gác lại yếu tố đó, khách quan mà nói, Đoàn Nguyên Đức là một doanh nhân được nhiều người Việt Nam yêu quý. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông cũng vậy.
Những thiện cảm có lẽ không chỉ đến từ đóng góp và tâm huyết của ông cho môn thể thao vua.
Đó còn là niềm tin vào một biểu tượng, biểu tượng tiên phong của một lớp doanh nhân Việt, những người đi lên từ hai bàn tay trắng thời mở cửa, không câu nệ hình thức, bằng cấp, dám nghĩ lớn, dám làm lớn và dám đón nhận thất bại. Đơn giản nhưng khát khao, bình dị mà quyết liệt…
Trở lại với ĐHCĐ vừa qua HAGL, thông tin hot nhất có lẽ là việc ông Đức tuyên bố, rằng tập đoàn này sẽ buộc phải xem xét việc chuyển nhượng 20 nghìn hecta cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc, nếu không tìm được giải pháp tài chính nào khả thi hơn trong trường hợp tái cơ cấu nợ vay, trong đó bao gồm cả việc xin các cơ chế mang tính nguyên tắc từ phía Chính phủ.
Theo ông Đức, thương vụ (nếu có) sẽ giúp HAGL thu về tối thiểu 8.000 tỷ đồng, giúp trang trải một phần đáng kể nợ nần. Nhưng vị doanh nhân quen quần jean và áo phông cũng tâm sự, đó là một kịch bản bất đắc dĩ mà bản thân ông không mong muốn.
Tuy Chủ tịch HAGL không nói ra nhưng không khó để nhận thấy, rằng bên cạnh yếu tố kinh tế đơn thuần, thì các hoạt động đầu tư sang Lào và Campuchia của tập đoàn này còn ít nhiều có những ý nghĩa khác. Do đó, việc chuyển nhượng các dự án náy, nhất là cho đối tác Trung Quốc cũng ít nhiều có những sự nhạy cảm.
Chia sẻ bên lề đại hội, ông Đức xác nhận việc chuyển nhượng 20.000 hecta cao su của tập đoàn này tại Lào cần phải có sự chấp thuận của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào.
Nhắc lại rằng, HAGL khẳng định họ không muốn chuyển nhượng dự án trên. Và theo tuyên bố của đoàn chủ tọa HNG tại ĐHCĐ thì có thể hiểu, việc bán 20.000 hecta cao su tại Lào sẽ không diễn ra nếu Chính phủ cho cơ chế để HAGL và các chủ nợ của mình tái cơ cấu lại các khoản vay.
HNG coi kịch bản chuyển nhượng rừng cao su là vạn cùng bất đắc dĩ đối với họ. Và ở một khía cạnh khác, với ông Đức, có lẽ việc phải nói ra những điều trên tại đại hội cổ đông cũng là vạn bất đắc dĩ.
Chưa ai phủ nhận tinh thần dân tộc của vị doanh nhân này nhưng tồn vong của HAGL, cơ nghiệp và tâm huyết cả đời cũng là điều mà ông phải đau đáu!
Thương vụ điển hình
Trao đổi với báo giới sáng 15/9, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết, ông và các cộng sự đang nỗ lực hết sức để giải quyết các khó khăn về dòng tiền, tái cơ cấu nợ để vực dậy HAGL.
Về mặt định hướng, HAGL sẽ không vay thêm mà ngược lại, sẽ tập trung nguồn lực để giảm dần gánh nặng tài chính. Thực tế là trong 6 tháng đầu năm, công ty đã thanh lý các dự án bất động sản tại Việt Nam, thanh lý các dự án khoáng sản và các mảng kinh doanh không có triển vọng. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến HAG và HNG lỗ sâu trong báo cáo bán niên. HAGL lên kế hoạch không lỗ thêm vào nửa cuối năm nay.
Đáng chú ý, tại cuộc trao đổi, ông Đức xác nhận việc tập đoàn này vừa bán cổ phần công ty con là CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land) cho một đối tác với mức giá 1.680 tỷ đồng. Song thay vì bán cổ phần hiện hữu, HAGL Land đã phát hành thêm cổ phần để bán cho đối tác. “Số tiền thu được đã được sử dụng để thanh toán nợ cho Eximbank”, Chủ tịch HAGL tiết lộ.
Báo cáo tài chính bán niên của HAGL cũng xác tín và làm rõ hơn chia sẻ của ông Đức.
Cụ thể, báo cáo viết: “Vào ngày 03/05/2016, ĐHĐCĐ của CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (“HAN”), công ty con trong Tập đoàn, đã thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với tổng số lượng cổ phần chào bán là 56.000.000 cổ phần cho nhà đầu tư theo Nghị quyết ĐHCĐ số 27/NQĐHCĐ.16. Nghiệp vụ này đã hoàn tất vào ngày 11/05/2016 với 56.000.000 cổ phần được phát hành cho CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải.
Việc phát hành thêm cổ phần này đã làm giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn trong HAN từ 85,75% xuống còn 68,90% tại ngày này.”
Theo tài liệu của VietTimes, ngày 17/05/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. HCM cũng đã cấp giấy phép sửa đổi, điều chỉnh vốn điều lệ của HAGL Land từ 2.290 tỷ đồng lên 2.850 tỷ đồng (đúng bằng 56 triệu cổ phần phát hành thêm). Được biết HALG Land được thành lập ngày 04/06/2007, do 3 cổ đông sáng lập là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (99,9%), bà Đoàn Thị Nguyên Thảo (0,05%) và ông Lê Hùng (0,04%).
56 triệu cổ phần HAN được phát hành mới, tổng giá trị của thương vụ là 1.680 tỷ đồng, có nghĩa rằng, mỗi cổ phiếu HAN đã được phát hành cho CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá của cổ phiếu HAG tại cùng thời điểm là chưa đến 8.000 đồng/cổ phiếu (?!).
Đáng nói hơn khi CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) – đối tác nhận chuyển nhượng 56 triệu cổ phiếu HAN với giá 1.680 tỷ đồng – vẫn còn là một cái tên khá xa lạ trên thị trường.
Chốt năm 2015, lợi nhuận của Tracodi chưa đến 6,5 tỷ đồng, tổng doanh thu chưa đến 139 tỷ đồng và vốn điều lệ chỉ là 78,5 tỷ đồng. Vậy nguồn lực nào đã giúp Tracodi có thể hoàn tất thương vụ “khủng” với HAGL Land?
Vạn bất đắc dĩ
Có lẽ nên biết rằng, Tracodi là công ty con (tỷ lệ lợi ích 53,64%) của CTCP Bamboo Capital (HSX: BCG) – một pháp nhân có không ít mối liên hệ với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong quá khứ.
Phân tích của VietTimes, rất có thể BCG đã đóng vai trò trung gian tài chính cho hoạt động phát hành 56 triệu cổ phiếu HAN của HAGL Land.
Cụ thể, trong khi công ty của HAGL là HAGL Land phát hành mới 56 triệu cổ phiếu cho Tracodi – công ty con của BCG – để thu về 1.680 tỷ, thì ở hướng ngược lại, các công ty có liên quan đến HAGL cũng đã chuyển một số vốn tương ứng đến BCG.
Báo cáo tài chính bán niên của BCG cho thấy, chính trong giai đoạn nửa đầu năm 2016, công ty này đã bất ngờ phát sinh các khoản phải trả khác đối với một số công ty thân hữu của HAGL.
Nhấn mạnh rằng, trong công tác hạch toán kế toán, tài khoán các khoản phải trả khác được dùng để phản ánh các nghiệp vụ như: Các khoản phải trả cho các đơn vị bên ngoài do nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn; Các khoản đi vay, đi mượn vật tư, tiền vốn có tính chất tạm thời; Các khoản phải trả, phải nộp khác…
Trở lại vấn đề, BCG vừa phát sinh khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới 700 tỷ đồng với CTCP Chăn nuôi Gia Lai; và khoản phải trả dài hạn khác lên tới 440 tỷ đồng đối với CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai. Chưa kể đến khoản phải trả dài hạn khác lên tới 440 tỷ đồng đối với CTCP Golden Farm và 540 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Vạn Phúc Hưng.
Lưu ý rằng, nguồn tiền trên rất có thể lại có nguồn gốc từ HAGL.
Bởi, theo BCTC bán niên của HAG, tính tới ngày 30/06/2016, tập đoàn này đang cho CTCP Chăn nuôi Gia Lai vay dài hạn 1.909 tỷ đồng (chưa kể 599 tỷ đồng ứng trước mua hàng hóa và dịch vụ); và CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai vay dài hạn 141 tỷ đồng. (Xem thêm: Chi tiết giật mình ở HAGL).
Được biết, cả CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai vẫn là các bên có liên quan của HAG. Tỷ lệ sở hữu của HAG tại 2 DN này lần lượt là 4,90% và 2,00%.
Sẽ còn nhiều chuyện để bàn về hoạt động phát hành cổ phiếu ở HAGL Land và cả câu chuyện chuyển nhượng vốn ở một số thành viên khác nữa, bao gồm cả tính thực chất, tính hợp lý và hợp lệ.
Nhưng nó chợt khiến người viết nhớ về thông tin hot nhất trong ĐHCĐ vừa rồi của HNG. Chắc giống như việc phải xem xét bán rừng cao su cho đối tác Trung Quốc, đó chỉ là giải pháp vạn bất đắc dĩ chứ không ai muốn./.
Ninh Giang – Hoàng Nguyên