Thời gian qua, dư luận quốc tế đã rất chú ý và tỏ ra vô cùng quan ngại trước sự ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc để hối hả xây dựng, mở rộng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam từ vài thập kỷ trước.
Chỉ là khoa trương, phi thực tế
Để đánh giá về những hoạt động này, tờ Wall Street Journal đã sưu tập những hình ảnh các bãi đá đang được Trung Quốc kiến tạo và mở rộng ở Trường Sa, đem đặt cạnh những hình ảnh chụp vị trí này trong năm ngoái. So sánh hình ảnh, người ta có thể dễ dàng nhận thấy diện tích các nơi này đã tăng gấp nhiều lần. Riêng đá Chữ Thập (Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988) đã được kiến tạo với diện tích tăng gấp hơn 10 lần so với năm ngoái và đã đưa nó trở thành hòn đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa, lớn hơn cả diện tích của đảo Ba Bình mà Đài Loan chiếm của Việt Nam năm 1950.
Đáng lo ngại, không chỉ riêng đá Chữ Thập được kiến tạo, mở rộng mà Trung Quốc đã song song tiến hành cải tạo với 5 đảo và bãi đá khác, trong đó có đá Gạc Ma mà Trung Quốc cũng chiếm từ năm 1988 của Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc còn xây đắp một vị trí thứ 7 ở đá Vành Khăn.
Giới chuyên gia quân sự và chiến lược chú ý tới sự kiện này nhất vì họ thấy được qua hành động đó, Trung Quốc thể hiện quyết tâm bành trướng lấn chiếm 90% diện tích Biển Đông, đối đầu với chính sách “xoay trục” của Mỹ.
Các chuyên gia của WSJ nhận định, mọi hành động này của Trung Quốc đều liên quan chặt chẽ đến Việt Nam trên mọi phương diện nhưng thực chất, nó mang ý nghĩa nhiều hơn đối với chiến lược châu Á của Mỹ.
Theo đài RFA, để “tung hỏa mù” với các hành động của mình, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho truyền thông trong nước tuyên truyền rằng, đá Chữ Thập là căn cứ lợi hại, từ đó có thể “tung ra một cuộc tấn công chiếm giữ thủ phủ miền Nam của Việt Nam trong vòng vài giờ”.
“Nhưng đó chỉ là sự khoa trương ồn ào. Nó được “giảm tông” bằng việc để cho các nguồn tin không chính thống loan tin chứ không phải do Quân ủy trung ương Trung Quốc phát biểu. Mục đích của lời hăm dọa này là để nhắc nhở các nước Đông Nam Á đừng trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ”, chuyên gia của WSJ nhận định.
Tất nhiên, dư luận quốc tế thừa hiểu và giới chức lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu rằng việc “tung đòn tấn công vào thủ phủ ở miền Nam của Việt Nam” là một hành động rất phi thực tế và hành động của Bắc Kinh là tìm cách cát cứ hải dương, lập pháo đài trấn giữ con đường từ eo biển Malacca ngược lên Biển Đông.
Cũng theo phân tích của giới chuyên gia quân sự và chiến lược quốc tế, nhóm đảo nhân tạo này của Trung Quốc chỉ nhằm khoa trương về cái gọi là chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc từ Hải Nam với Trường Sa. Nó không đủ điều kiện địa lý và pháp lý để Bắc Kinh dựa vào đó xác định chủ quyền lãnh hải.
Về mặt quân sự, những vị trí này cũng chỉ mang tính hình thức. Ngay trong trường hợp giả dụ xảy ra chiến tranh, liệu cái căn cứ vững chắc và to lớn nhất trong nhóm đó là đá Chữ Thập có chịu nổi vài quả ngư lôi loại AsuW 53-65, 533 ly với khối nổ 300kg phóng từ tàu ngầm Kilo -636 hay không? Trận tấn công này có thể khiến cầu tàu, sân bay trên đá Chữ Thập cùng nhau chìm xuống đáy biển sau vài chục phút.
Với một vị thế mong manh như thế, những hòn đảo mới được tân tạo này có xứng đáng được gọi là “pháo đài trấn thủ Biển Đông” trước chính sách xoay trục của Mỹ? Nếu Trung Quốc dựa vào đó để làm căn cứ và điểm tiếp vận cho các hạm đội hải quân cùng hàng nghìn tàu đánh cá thì còn có vẻ thực tế hơn cả.
“Một nhóm đảo với rạn san hô ít ỏi, khi nổi khi chìm thì dù có được bồi đắp đến mấy cũng chỉ tạo được một hình thức không thực chất, không có gì lợi hại về mặt quân sự và cũng không thể làm mốc cho lãnh thổ mở rộng. Ngay cả hòn đảo lớn nhất và kiên cố nhất ở Trường Sa là đảo Ba Bình bị Đài Loan chiếm giữ cũng không đủ điều kiện cho một căn cứ vững chắc trên biển. Phòng thủ trên một nhóm đảo nhỏ nhoi đó cũng đá khó chứ đừng nói đến căn cứ xuất phát tấn công”, tờ WSJ bình luận.
Tóm lại, hành động chiếm cứ và bồi đắp kiên cố những bãi đá ở Trường Sa không thể làm nghiêng cán cân lực lượng trước ưu thế quân sự tuyệt đối của Mỹ ở Biển Đông mà chỉ để tạo nên một hình ảnh lãnh thổ bao trùm, thổi phồng hình ảnh thành thực tế để cho cộng đồng quốc tế nếu có không công nhận thì cũng không thể đẩy được Trung Quốc khỏi vùng lãnh thổ, lãnh hải mà nước này quyết “bám chặt bằng mọi giá”.
Theo một số học giả Trung Quốc, việc cố gắng bồi đắp các nhóm đảo này của Bắc Kinh là nhằm chuẩn bị cho việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không mới ở Biển Đông. Việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không gần như chắc chắn sẽ được thực hiện khi Trung Quốc đủ lực lượng hải quân và không quân tuần tra đến tận Trường Sa. Ngay lúc này, Bắc Kinh đã và đang ráo riết chuẩn bị lực lượng nhằm mục đích này.
Nhóm đảo tân tạo còn có lợi cho Trung Quốc về kinh tế, trong lĩnh vực giao thông vận tải và ngư nghiệp. Từ tháng 7/2014, Trung Quốc đã khuyến khích ngư dân của họ mở rộng ngư trường về phía Nam và dụ dỗ rằng các tàu cá sẽ được tiếp liệu ở Trường Sa.
Theo Infonet