Grab là "công ty kinh doanh vận tải taxi"?
Cụ thể, chiều 23/10, phiên tòa xét xử đã kết thúc phần tranh luận với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát (VKS) TP. Hồ Chí Minh, đại diện của Grab và Vinasun.
Phía VKS trích dẫn một số căn cứ cho rằng Grab không chỉ đơn thuần là một đơn vị cung cấp công nghệ mà thực chất là công ty kinh doanh vận tải taxi và đặt nghi vấn về tính trung thực khi kê khai ngành nghề của doanh nghiệp này.
Cụ thể, theo VKS, Grab đã trực tiếp vận hành, điều xe, quy định giá cước, mức chiết khấu, quy định xử phạt đối với tài xế hay áp dụng hàng loạt chương trình khuyến mãi.
Liên quan tới thiệt hại của Vinasun, VKS trích dẫn các số liệu về lợi nhuận sau thuế có xu hướng giảm dần của Vinasun từ năm 2015, 2016 và 6 tháng năm 2017 giảm dần. Bên cạnh đó, VKS cũng cung cấp các số liệu cho thấy hơn 8.000 nhân viên đã nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi của Vinasun kể từ khi xuất hiện Grab (và Uber – sau này đã thực hiện sáp nhập vào Grab).
Với các căn cứ trên, VKS đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn thiệt hại.
Đề nghị trên của VKS đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cũng như các lo ngại phát sinh từ quyết định này trong dư luận.
"Một cái tát" vào môi trường, văn hóa kinh doanh và chủ trương 4.0?
TS. Lương Hoài Nam (chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hàng không, du lịch) nêu quan điểm: “Nếu tòa xử cho Vinasun thắng kiện Grab thì sẽ là “một cái tát” vào mặt môi trường, văn hóa kinh doanh nói chung, vào chủ trương phát triển công nghiệp 4.0 nói riêng ở nước ta”.
TS. Lương Hoài Nam.
|
“Các công ty taxi khác sẽ kiện Grab cho đến khi Grab rút khỏi Việt Nam” – TS. Lương Hoài Nam bày tỏ lo ngại về kết quả có lợi cho Vinasun sẽ kéo theo nhiều vụ kiện khác tương tự.
Ông Nam cũng nêu lập luận cá nhân và khẳng định: “Grab là công ty công nghệ, cung cấp kết nối giữa người vận tải và khách hàng. Nó không phải doanh nghiệp taxi hay bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào khác. Nó không có phương tiện vận tải, chẳng có lái xe”.
“Gọi Grab là doanh nghiệp vận tải chẳng khác nào gọi các công ty nước ngoài đang cung cấp hệ thống bán vé máy bay ở Việt Nam là các hãng hàng không" – TS. Lương Hoài Nam nhận định và cho rằng đây là động tác “đánh tráo khái niệm”.
Ý kiến của ông Lương Hoài Nam nhận được nhiều sự đồng tình. Nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ ngay dưới dòng trạng thái (status) hoặc trên trang cá nhân (facebook) của ông Nam. Trong số đó, có cả những doanh nhân nổi tiếng như có ông Lý Xuân Hải (cựu CEO ngân hàng ACB, Trưởng ban chiến lược Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay.
Grab có sử dụng “doping” trong cạnh tranh?
Ông Nguyễn Minh Đức (chuyên gia chính sách công, thành viên Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), lại có cách nhìn thận trọng hơn về đề xuất của VKS.
Ông Đức “ví von” một cách trực quan: rằng sự cạnh tranh giữa Vinasun và Grab như cuộc so găng giữa hai người - mà ông tạm gọi là A và B - với kết quả trận đấu là người A đấm trúng 20 quả, người B đấm trúng 2 quả.
Trong đó, người A có lợi thế khi to khỏe hơn, đã tập võ 10 năm; còn người B thì ốm yếu lại không thể dục thể thao.
Ông Đức đặt ra trường hợp nếu như sau trận đấu có phát hiện ra A là người sử dụng “doping” (tên gọi chung của các chất kích thích bị cấm trong thi đấu thể thao) thì liệu kết quả trên có chính xác.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
|
“Tức là chỉ có 12 cú đấm là do thực lực của A, còn 8 cú đấm là nhờ hỗ trợ của “doping”. Vậy lúc này, nếu B kiện ra tòa đòi A phải bồi thường cho 8 cú đấm kia có được không? Nếu bạn là thẩm phán thì bạn có chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường đó không? Ví dụ trên để minh họa cho thực tế rằng, dù A thắng B là điều rất hiển nhiên, nhưng vẫn có nhiều thứ phải xét trước khi đi đến kết luận” – TS. Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề.
Quay trở lại với vụ kiện, ông Đức cũng nêu rõ và phân tích ba lý do khiến Grab chiếm lợi thế trước Vinasun.
Lý do thứ nhất, theo TS. Nguyễn Minh Đức là việc các hãng taxi công nghệ đã ứng dụng được tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực này, khiến giá dịch vụ của họ rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Điều này không ai phủ nhận, kể cả các hãng taxi truyền thống cũng công nhận.
“Cái này giống như việc A to khỏe và có võ, là một trong những lý do khiến A thắng, nhưng chưa chắc đã là lý do duy nhất” – ông Đức hình dung.
Lý do thứ hai (có thể có) được ông Đức đưa ra là việc chi phí tuân thủ pháp luật của Grab thấp hơn Vinasun và có thể nhận thấy rõ khi tìm hiểu các quy định quản lý taxi.
“Ví dụ một số quy định taxi truyền thống phải tuân thủ mà Grab thì không: (1) taxi phải có mào và phải đăng ký mầu sơn; (2) taxi phải có đồng hồ tính tiền và phải được kiểm định định kỳ; (3) taxi có niên hạn ngắn hơn, có thời hạn đăng kiểm ngắn hơn; (4) taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình và gửi dữ liệu về Sở Giao thông, Sở có thể trích xuất dữ liệu để xử phạt lái xe khi chạy quá tốc độ hoặc lái xe quá 4 tiếng không nghỉ; (5) taxi phải đăng ký giá cước với Sở Tài chính, muốn điều chỉnh giá cước phải báo trước 15 ngày, chứ không linh hoạt theo từng giây như Grab; (6) số lượng xe taxi bị giới hạn bởi quy hoạch của mỗi tỉnh, không thể tự do thêm bớt xe như Grab, (7) taxi phải đóng bảo hiểm cho tài xế… “ – ông Đức trích dẫn các quy định nổi bật.
“Đáng lẽ ra, Nhà nước không nên quy định như vậy và phải để cho taxi truyền thống tự do cạnh tranh với taxi công nghệ” – vị chuyên gia pháp chế của VCCI nêu quan điểm.
Lấy ví dụ về câu chuyện lấy ý kiến sửa Nghị định 86 (Nghị định 86/2014/NĐ-CP ban hành ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô), ông Đức cho rằng, Vinasun nên vận động để không còn sự bất bình đẳng như trên. Việc vận động, nên là để gỡ bỏ rào cản cho mình, chứ Vinasun đừng vận động để "quàng thêm rào cản cho Grab”.
Lý do thứ ba được chuyên gia Nguyễn Minh Đức đưa ra là việc Grab đã cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh.
Ông Đức đề cập tới hoạt động “bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh” là một trong những hành vị bị cấm trong Luật cạnh tranh.
“Thực tế, trước khi sáp nhập Uber, Grab có chính sách giá cước rẻ như cho. Nếu chỉ vì lý do tiến bộ công nghệ, Grab khó mà có thể rẻ được như vậy. Mức giá quá thấp thời gian trước của Grab khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Nếu thực sự họ đang “bán phá giá” nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh có quyền khởi kiện đòi bồi thường chứ.” – vị chuyên gia của VCCI đặt vấn đề.
Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng để kết luận có hành vi này hay không thì cần phải làm rõ và đây sẽ là một nội dung quan trọng khi tiến hành xét xử vụ việc này.
Trong phần kết luận, ông Đức cho biết ủng hộ việc sử dụng công nghệ để kinh doanh không những của Grab mà còn của Vinasun hay Mai Linh và nhiều hãng khác. Tuy nhiên, ông cũng phản đối các hoạt động “bán phá giá” nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, vi phạm Luật cạnh tranh
Dòng trạng thái của chuyên gia Nguyễn Minh Đức cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội./.