Sáng 7/3, Tòa án Nhân dân TPHCM tiếp tục hoãn phiên xử sơ thẩm vụ Vinasun kiện Grab Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trị giá hơn 40 tỷ đồng để. Lý do được đưa ra là tòa cần thu thập chứng cứ từ Sở Kế hoạch đầu tư, Sở GTVT TP.HCM và Bộ GTVT.
Theo lời "buộc tội" của Vinasun, Grab Việt Nam đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, làm náo loạn thị trường vận tải taxi, khiến Vinasun bị giảm sút doanh thu, lợi nhuận, 8.000 lao động phải nghỉ việc.
Phía Grab bác bỏ và khẳng định các cáo buộc của Vinasun không có cơ sở, vô căn cứ, cũng như không đưa ra được cơ sở hợp lý cho cách tính thiệt hại. Grab khẳng định luôn tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Lợi thấy rõ của taxi công nghệ
Từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng dịch vụ công nghệ kết nối vận tải (bao gồm cả Uber, Grab).
Trước đó, trên thị trường Việt Nam cũng đã manh nha xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như: GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiêùVề, Uber, AdTOS, iMove. Tuy nhiên, hoạt động này bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Do đó, Chính phủ đã phải ban hành các thông tư, nghị định quy định về vấn đề này, từ đó từng bước đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật.
Đến hết năm 2017, số liệu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đã có 10 đơn vị được cấp phép triển khai các dịch vụ theo Đề án thí điểm theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT (Đề án 24).
Ngoài hai đơn vị nước ngoài là Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car) và Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), trong danh sách 10 đơn vị được Bộ GTVT cấp phép còn có những “ông lớn” trong thị trường taxi nội như Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR).
Những cái tên còn lại bao gồm Công ty cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car) và Công ty TNHH Phúc Xuyên (Emddi - Phúc Xuyên).
Ngoài 10 đơn vị đã được cấp phép trên, Bộ GTVT cũng cho biết đã nhận được đề án của 7 Công ty về việc triển khai dịch vụ theo Đề án 24.
7 doanh nghiệp này bao gồm Công ty cổ phần Công nghệ DIDI Việt Nam, Công ty cổ phần Sapa Thale Holding, Công ty TNHH Limo Cab Việt Nam, Công ty cổ phần Taxi MeKong, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Quốc tế, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại BookCar Việt Nam và Công ty cổ phần Công nghệ trực tuyến Skysoft.
Tuy nhiên, sau khi xem xét các ý kiến từ các địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh), Bộ GTVT tạm thời chưa chấp thuận thêm đơn vị thí điểm.
Từ góc độ nhu cầu, với việc tới 7 đơn vị xin được cấp phép, rõ ràng nhu cầu với mô hình hình kết nối vận tải hành khách, hay còn gọi là mô hình Grab, Uber đang rất cao.
Về lợi ích, dịch vụ Uber, Grab có hiệu quả hơn hẳn mô hình dịch vụ taxi truyền thống. CEO Đỗ Hoài Nam, Đồng sáng lập UP-Co Working Spacel nhận định, một xe taxi công nghệ chạy năng suất bằng 3 lần xe taxi truyền thống.
Tuy nhiên, phiên tòa của Vinasun kiện Grab đang cho thấy doanh nghiệp này dường như đã đi ngược lại xu hướng phát triển sáng tạo của công nghệ, chưa tập trung vào lợi ích người dùng khi sự sống còn của doanh nghiệp chính là chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng.
Nhiều "đinh" dưới thảm?
Người tiêu dùng và giới chuyên gia đều thừa nhận, mô hình Uber, Grab đã đem lại lợi ích lớn, trải nghiệm người dùng và xã hội tích cực. Đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh và sức ép cần thiết lên các doanh nghiệp taxi theo mô hình kinh doanh truyền thống.
Bỏ qua những hạn chế về mặt quản lý, có thể thấy xu thế ứng dụng công nghệ này là không thể đảo ngược. Nếu có thể khai thác tối đa ưu điểm và hạn chế được những bất cập, mô hình này sẽ là mô hình kiểu mẫu trong tương lai.
Quay lại với vụ kiện, việc kiện tụng này cũng đi ngược lại xu hướng của Chính phủ trong việc khuyến khích, tạo cơ hội cho các start up, doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Văn bản mới đây của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm mô hình của Grab cho thấy sự đồng thuận và nỗ lực hướng đến nền kinh tế kĩ thuật số, nền kinh tế mở nhằm thúc đẩy sáng tạo trong công nghệ của Chính phủ.
Tuy nhiên, trước đó, với những quy định yêu cầu xe taxi công nghệ phải có nhãn mác, logo, có thể thấy các cơ quan quản lý dường như đang “chiều lòng” các doanh nghiệp vận tải truyền thống hơn là hưởng ứng chính sách của Chính phủ.
TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng lên tiếng nghi ngờ rằng có lợi ích riêng trong việc này khi chắc chắn có liên kết lợi ích nên mới có những chính sách hạn chế này.
Như vậy, để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, Việt Nam sớm muộn cũng cần phải xây dựng một khuôn khổ cho việc triển khai thực hiện dịch vụ xe hợp đồng điện tử.
Được biết, trong thông cáo báo chí của Grab phản hồi về vụ kiện này, ông Jerry Lim - TGD Grab Vietnam nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng các nhà chức trách sẽ đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của người tiêu dùng và đất nước. Người tiêu dùng Việt Nam đã chọn Grab, vì vậy đừng ngăn cản họ mở cửa tiếp cận với chúng tôi. Thay vì kiện tụng thì họ (Vinasun) nên tập trung vào giải quyết áp lực đang đè nặng trong việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng”
Đồng thời, ông Jerry Lim cũng cho biết "Trong khi phiên tòa bị tạm đình chỉ, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đổi mới, sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả của các phương tiện giao thông công cộng".