Truyền thông và học giả cho rằng Nga vẫn chưa thay đổi lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông và cố gắng không làm mất lòng bất kỳ bên nào trong tranh chấp.
Trung Quốc rất muốn được Nga ủng hộ
Bộ Ngoại giao Nga đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về thông tin cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 9/2016 với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào thứ Năm tuyên bố Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung thường lệ ở khu vực Biển Đông, cuộc tập trận này "không nhằm vào bên thứ ba".
Không lâu trước đó, Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, gây bất lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc bị thất bại ngoại giao trong vấn đề Biển Đông nên luôn khát khao có được nhiều nước “ủng hộ” hơn, nhất là Nga - đối tác chiến lược chủ yếu.
Phê phán THAAD, không đề cập đến Biển Đông
Sau khi Tòa trọng tài ở The Hague tuyên bố phán quyết bất lợi cho Trung Quốc vài ngày, Nga mới lên tiếng tái khẳng định không ủng hộ lập trường của bất cứ bên tranh chấp nào. Đối với việc Trung Quốc tuyên bố sẽ tổ chức tập trận chung với Nga ở khu vực Biển Đông, Chính phủ Nga đến nay vẫn giữ im lặng.
Trong ngày Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thông tin tập trận chung, ở Moscow Thứ trưởng Ngoại giao Nga phụ trách các vấn đề Đông Á, ông Igor Morgulov và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Khổng Huyễn Hựu đã tổ chức tham vấn an ninh về tình hình Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên.
Quân đội hai nước cũng cử đại diện tham gia cuộc hội đàm lần này. Hai bên đã phê phán Mỹ và Hàn Quốc sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, nhưng không đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Chỉ thảo luận giao dịch vũ khí
Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga đã tổ chức cuộc chiêu đãi nhân ngày thành lập Quân đội Trung Quốc (1/8). Tham gia buổi chiêu đãi này có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Antonov.
Ông Antonov cho biết, các hợp tác giữa quân đội hai nước ngày càng mật thiết, Ủy ban hợp tác liên chính phủ hai nước sẽ nhanh chóng triệu tập hội nghị trong thời gian tới để thảo luận vấn đề giao dịch vũ khí.
Ông còn nhấn mạnh hy vọng Trung Quốc có thể ủng hộ hoạt động cứu trợ nhân đạo được Quân đội Nga bắt đầu tiến hành ở Syria. Nhưng ông không hề đề cập đến vấn đề hai nước sẽ tổ chức cuộc tập trận ở Biển Đông.
Thông tin do Điện Kremlin công bố trong hai ngày gần đây là Tổng thống Vladimir Putin thị sát địa phương, thảo luận cách thức phát triển nông nghiệp tại khu vực châu Âu của Nga cùng với Điện Kremlin triển khai đợt điều chỉnh nhân sự quy mô lớn mới đối với các quan chức cấp cao, hoàn toàn không đề cập đến vấn đề của Trung Quốc.
"Nga không ủng hộ Trung Quốc"
Học giả vấn đề Đông Á của Nga là Sumski cho rằng Trung Quốc nói sẽ tổ chức tập trận chung với Nga ở Biển Đông không nên được hiểu thành Nga “ủng hộ” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nga không thay đổi lập trường "không lựa chọn đứng về bên nào".
Sumski cho hay: "Cách đây không lâu, Nga đã bày tỏ lập trường của mình về vấn đề Biển Đông, đó chính là không ủng hộ bên nào trong tranh chấp này. Nga hy vọng các bên tranh chấp liên quan cần tự giải quyết tranh chấp. Thực ra, nếu có, đây cũng sẽ chỉ là cuộc diễn tập quân sự mang tính thường lệ".
Vùng biển diễn tập là mấu chốt
Có học giả cho rằng các nước xung quanh khu vực Biển Đông phản ứng như thế nào đối với cuộc tập trận giữa Trung Quốc và Nga vào tháng 9 tới sẽ tùy thuộc vào cuộc diễn tập này sẽ lựa chọn vùng biển cụ thể nào.
Khi công bố thông tin này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Dương Vũ Quân có ý không nói rõ vùng biển diễn tập cụ thể, cho dù hai bên rất có thể hiện đã chọn được khu vực diễn tập.
Khẩu khí khi công bố thông tin này của ông Dương Vũ Quân hoàn toàn không gây cảm giác Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc và Nga có thể đạt được thỏa hiệp nào đó trong vấn đề có liên quan.
Trung Quốc không hy vọng cuộc diễn tập sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, Nga cũng không muốn làm mất lòng với các nước khu vực này và cố gắng giữ lập trường trung lập trong tranh chấp.
Một đài truyền hình thân Điện Kremlin cho rằng Trung Quốc tuyên bố sẽ cùng Nga tổ chức tập trận chung ở Biển Đông, nhưng Nga tiếp tục nhấn mạnh không muốn bị kéo vào tranh chấp Biển Đông, hơn nữa muốn giữ quan hệ hữu nghị với tất cả các bên trong tranh chấp.
Khi đưa tin về cuộc diễn tập quân sự hải quân liên hợp, Đài truyền hình Nga đã giới thiệu phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines cũng như lập trường của các nước như Việt Nam, Mỹ, nhất là của Chính phủ Nga đối với vấn đề Biển Đông.
Tự do đi lại ở vùng biển quốc tế
Học giả Sumski cho rằng nhà lãnh đạo Quân đội Australia gần đây nhấn mạnh, Australia từng và hơn nữa sẽ tiếp tục tổ chức diễn tập quân sự ở Biển Đông, qua đó để thể hiện quyền lợi đi lại tự do ở khu vực Biển Đông. Nga cũng chú ý đến quyền đi lại tự do ở Biển Đông, đặc biệt là hy vọng khu vực này hòa bình và ổn định.
Học giả Sumski cho rằng: "Nếu nhìn vấn đề Biển Đông từ góc độ Tòa trọng tài ở The Hague, khu vực này thực ra là vùng biển quốc tế. Đã là vùng biển quốc tế thì có cái gì đáng lo ngại nữa. Vùng biển này cần mở cửa cho bất cứ ai".
Phái bảo thủ chống Mỹ ở Nga
Một trang tin học thuật thuộc phái bảo thủ chống Mỹ ở Nga cho rằng cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga tổ chức vào tháng 9 tới có ý nghĩa tượng trưng, cho thấy Nga "ủng hộ" Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc mời người bạn Nga gây ảnh hưởng và trợ giúp Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Trang tin này còn cho rằng Trung Quốc tuyên bố thời gian sẽ tổ chức tập trận chung với Nga ở Biển Đông khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice vừa kết thúc thăm Trung Quốc. Tháng 9/2016, ông Tập Cận Bình sẽ còn gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama.