Chuyên gia Mỹ hướng dẫn cách bảo vệ an toàn cho con bạn trên không gian mạng

VietTimes -- Trong xã hội hiện nay, để đảm bảo cho trẻ em luôn được an toàn trên không gian mạng là vấn đề luôn được các bậc cha mẹ quan tâm. Thực tế, nhiều đứa trẻ thậm chí mới 5 tuổi cũng được các bậc cha mẹ cho sử dụng máy tính bảng và smartphone thoải mái. Ngoài những lợi ích mà các thiết bị và ứng dụng mang lại, thì chúng cũng là nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của con trẻ.
Trẻ em đang ngày càng dành nhiều thời gian trên không gian mạng (Ảnh Shutterstock)
Trẻ em đang ngày càng dành nhiều thời gian trên không gian mạng (Ảnh Shutterstock)
Trong nhiều thập kỷ kể từ khi những đứa trẻ được tiếp cận với internet, đã có hàng loạt các ứng dụng và thiết bị hỗ trợ cha mẹ theo dõi hoạt động của con cái trên không gian mạng được cung cấp. Và cũng đã có một thế hệ mới các bậc cha mẹ quen với các hoạt động của con cái trong không gian mạng hơn trước đây. 
Một trong những mối đe dọa đáng lo ngại nhất đối với trẻ em đó là những cám dỗ trên mạng – một hoạt động mà ở đó kẻ xấu thực hiện các hành vi nhằm ép buộc hoặc lừa gạt đứa trẻ từ những nơi tưởng như an toàn nhất đối với trẻ em là nhà hay trường học, với mục đích xâm hại tình dục hoặc bắt cóc chúng.
Các bậc cha mẹ cần phải biết sử dụng những gì mà công nghệ đạt được để bảo vệ con cái mình, nhưng theo các chuyên gia thì điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm đó là hướng dẫn cho con cái họ cách làm thế nào để đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Theo ông Stephen Balkam, người sáng lập và CEO của Viện An toàn Trực tuyến cho gia đình (FOSI) thì “sự kiểm soát tốt nhất mà các bậc cha mẹ nên làm đó là nói chuyện thẳng thắn với con trẻ”.
Mỗi đứa trẻ cũng có những nét khác nhau. Không có một phương pháp nào là chung nhất cho tất cả để luôn đảm bảo an toàn cho chúng trên không gian mạng.
“Đó thực sự phải là một phương pháp rất phức tạp và đa tầng lớp. Mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ và mỗi đứa trẻ đều khác nhau, ông Paige Hanson, người phụ trách về mảng giáo dục danh tính tại trung tâm Symantec cho biết.
Sự cám dỗ trên không gian mạng là gì?
Ảnh Getty Images

Cám dỗ trên không gian mạng là hành động ép buộc hoặc lừa gạt trẻ em, tách chúng ra khỏi không gian an toàn trong ngôi nhà hoặc trường học, với mục đích thực hiện hành vi xâm hại tình dục hoặc bắt cóc.

Cách hiệu quả nhất để bảo vệ con cái mình trước những kẻ xấu trên không gian mạng là luôn kiểm soát những gì trẻ em làm trên đó, các chuyên gia cho biết.
Không để con cái bạn đang ký vào các mạng xã hội nếu chúng chưa đủ 13 tuổi
Hình ảnh trên ứng dụng Messenger Kids của Facebook (Ảnh Facebook)

Luật bảo vệ Quyền riêng tư trẻ em trên không gian mạng của Mỹ (COPPA) quy định cấm trẻ em dưới 13 tuổi đăng nhập vào các trang web có thu thập thông tin người dùng, trong đó đáng chú ý nhất là các trang mạng xã hội.

Các bậc cha mẹ cần phải thắt chặt quy định này, hoặc thậm chí là phải đợi cho đến khi con cái họ lớn hơn, ông Balkam cho biết. Nhưng thường nói thì dễ chứ làm lại rất khó.
Các bậc cha mẹ muốn giúp con mình lập tài khoản Facebook “để nói chuyện với ông bà” thì nên tải phần mềm ứng dụng Facebook Messenger Kids, một ứng dụng của Facebook cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi. Ứng dụng này cho phép các bậc cha mẹ xem tin nhắn của con, kiểm soát danh sách liên lạc, và cài đặt hạn chế thời gian online của con cái.
Nhưng ứng dụng Messenger Kids cũng đang gây rất nhiều tranh cãi và đang bị nhiều chuyên gia y tế và những người vận động cho quyền lợi trẻ em lên tiếng chỉ trích, những người này yêu cầu Facebook xóa hoàn toàn Messenger Kids, lý do mà họ đưa ra là ứng dụng này có thể đẩy trẻ em đến căn bệnh nghiện điện thoại ngay từ giai đoạn đầu tiên của cuộc đời.
Một vấn đề nữa mà các bậc cha mẹ phải đối phó đó là con cái của họ có thể nói dối về độ tuổi của mình. Trong những trường hợp như vậy thì rất khó để ngăn cản việc chúng lập các tài khoản trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với những đứa trẻ có máy tính bảng hoặc smartphone riêng. Nhưng các chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ nên trao đổi thẳng thắn với con cái mình trước khi chúng muốn mở một tài khoản trên mạng xã hội.
Các công cụ hỗ trợ cha mẹ kiểm soát con cái trên iOS và Android

Các bậc cha mẹ có thể cài đặt hạn chế đối với con cái trên các thiết bị iPhone, iPad hoặc Android.

Trong phần cài đặt của iPhone hoặc iPad, vào “Cài đặt chung” và tìm “Hạn chế”. Ở đây, các bậc cha mẹ có thể hạn chế con mình truy cập vào các ứng dụng hoặc các game nhất định, bao gồm cả trình duyệt web safari và camera. Các bậc cha mẹ cũng có thể ngăn chặn việc con mình mua hay tải về các ứng dụng trên App Store.
Trên thiết bị Android, cha mẹ cũng có thể tải ứng dụng Family Link, cho phép người dùng cài đặt các hạn chế trên những ứng dụng và video được tải từ Google Play store. Trong trường hợp không có ứng dụng Family Link, cha mẹ cũng có thể cài đặt hạn chế nội dung trực tiếp trong ứng dụng Google Play bằng cách vào phần tùy chọn “kiểm soát của cha mẹ” trong cài đặt của ứng dụng.
Sử dụng các loại điện thoại “cục gạch”
Điện thoại Jitterbug

Đối với những đứa trẻ khoảng 5 tuổi, các bậc cha mẹ luôn muốn có biện pháp để liên lạc với chúng, đặc biệt là trong những trường hợp khẩn cấp.

“Tôi lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở Iowa. Chúng tôi không cần điện thoại. Chúng tôi chỉ cần nói rằng mình đang ở nhà bạn và tôi luôn được cha mẹ tin chắc chắn là sẽ về nhà trước bữa tối. Nhưng thời nay thì không được như thế nữa. Cha mẹ cần phải luôn chắc chắn là liên lạc được với con cái mình trong trường hợp khẩn cấp”, ông Hanson nói. Các bậc cha mẹ có thể tham khảo một số mẫu điện thoại và đồng hồ thông minh phổ biến chỉ có các tính năng cơ bản cho trẻ em như điện thoại Jitterbug Flip, đồng hồ LG GizmoGadget. Jitterbug Flip là loại điện thoại chỉ cho phép trẻ em gọi điện và nhắn tin. Loại điện thoại này được sản xuất cho người già nhưng cũng rất hữu ích đối với trẻ em. Còn Gizmo Gadget là loại đồng hồ thông minh cho phép các bậc cha mẹ luôn theo dõi được vị trí của con cái cũng như liên lạc với chúng. Những đứa trẻ có thể gọi và nhận cuộc gọi với 10 người và gửi tin nhắn ở dạng tin nhắn cài đặt trước hoặc emoji.
Sử dụng các tablet thân thiện với trẻ em
Tablet Kindle Fire for Kids (Ảnh Amazon)

Theo một nghiên cứu từ Common Sense Media thì trung bình những đứa trẻ ở độ tuổi từ 0 đến 8 dành 48 phút dùng máy tính bảng mỗi ngày. Với nhiều đứa trẻ, máy tính bảng là thiết bị quen thuộc nhất, hay truy cập nhất và dễ sử dụng nhất.

Nhưng với một chiếc máy tính bảng không hạn chế truy cập internet, thì đó cũng là mối lo ngại của cha mẹ với con cái mình. Với một chiếc iPad, bạn cần phải tải phần mềm kiểm soát dành cho cha mẹ của bên thứ ba hoặc bằng thủ công thay đổi các ứng dụng để cho phép con cái vào ứng dụng nào và không cho vào ứng dụng nào. Một số bậc cha mẹ thấy tốt hơn hết là mua phiên bản máy tính bảng đã tích hợp sẵn phần mềm kiểm soát con cái.
“Nếu bạn muốn mua cho con mình một chiếc máy tính bảng, thì nên tham khảo tìm hiểu những loại được sản xuất và thiết kế đặc biệt cho trẻ em. Đó là những loại máy tính bảng có các phần cứng và phần mềm được phát triển đặc biệt với các tính năng cho phép cha mẹ luôn kiểm soát được con cái của mình”. Ông Balkam gợi ý một số loại máy tính bảng đáp ứng được yêu cầu đó như là loại Fire Kids Edition hay Verizon Gizmo Tab. Fire Kids Edition Tablet là một phiên bản máy tính bảng dành cho trẻ em của Amazon. Thiết bị này cho phép trẻ em truy cập vào hơn 15.000 cuốn sách, các bộ phim, các chương trình ti vi và trò chơi phù hợp với lứa tuổi. Các bậc cha mẹ cũng có thể kiểm soát được nội dung mà bọn trẻ truy cập, và lượng thời gian mà chúng sử dụng. Còn Verizon Gizmo Tab là loại máy tính bảng có sẵn 300 ứng dụng đã tải về mà trên đó trẻ em có thể xem bằng cách vào “các đảo” khác nhau. Trên loại máy tính bảng này, trẻ em không thể vào trình duyệt internet, nếu như không được cha mẹ cho phép.
Sử dụng các phần mềm theo dõi của bên thứ 3
Ảnh Qustodio

Nếu một đứa trẻ có các thiết bị điện tử cho phép truy cập vào website, thì tốt nhất các bậc cha mẹ phải cài đặt một phần mềm kiểm soát của bên thứ ba cho phép họ cài đặt hạn chế thời gian bọn trẻ dùng thiết bị điện tử và khóa hẳn các website và ứng dụng cấm trẻ em.

Những ứng dụng này cho phép các bậc cha mẹ có sự kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ hơn so với các cài đặt iOS và Android mặc định nhưng các ứng dụng đó cũng đòi hỏi phải mất nhiều công sức cài đặt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo phụ huynh nên cân nhắc đến quyền riêng tư của trẻ em, đặc biệt là đối với những đứa trẻ lớn, trước khi cài đặt những công cụ kiểm soát khá hà khắc này. Một số ứng dụng kiểu này được các chuyên gia đề xuất như là Qustodio, Net Nanny hay FamilyTime Premium.
Tuy nhiên, nếu kiểm soát một cách quá giới hạn sẽ làm mất lòng tin của con cái đối với cha mẹ. Các ứng dụng hỗ trợ cha mẹ kiểm soát con cái của bên thứ ba có thể dẫn đến việc các bậc cha mẹ xâm phạm nghiêm trọng đến sự riêng tư của con cái, như là theo dõi các cuộc gọi hoặc các tin nhắn của chúng. Mặc dù, đối với các bậc cha mẹ thì họ làm vậy cũng chỉ mong con cái mình luôn được an toàn, nhưng điều này cũng có thể làm mất lòng tin trong một mối quan hệ - đặc biệt là đối với những đứa trẻ đã lớn.
“Nếu con cái bạn phát hiện ra mọi việc chúng đang làm đều bị theo dõi, chắc chắn lúc đó chúng sẽ cảm thấy bị xâm phạm nghiêm trọng”, ông Hanson nói.
Ông Hanson nói thêm rằng điều quan trọng là các bậc cha mẹ ít nhất cũng nên lường trước mọi việc và nên trao đổi thẳng thắn với con cái họ về những gì họ đang theo dõi và lý do tại sao lại theo dõi. Đó có thể là lời khuyên chúng nên chơi với những bạn thế nào hoặc đặt điều kiện rằng cha mẹ được theo dõi những gì con mình làm trên mạng xã hội nếu chúng muốn lập tài khoản trên đó.
Luôn thận trọng với việc con cái bạn chia sẻ thông tin vị trí
Ảnh YouTube

Khi những đứa trẻ đăng bất cứ thứ gì công khai trên mạng, thì đó là cơ hội rất tốt để sử dụng tính năng định vị, cho phép những người theo dõi tài khoản chúng biết chính xác đứa trẻ đang ở đâu. Đối với những trẻ nhỏ, thì việc đăng chính xác mình đang ở đâu và đang làm gì có thể biến chúng trở thành mục tiêu cho những kẻ xấu.

Ông Hanson nói “đây là một tính năng rất tuyệt, là một sự tiện dụng. Nhưng mặt khác bạn cũng cần phải quan tâm đến khía cạnh an toàn, đó là khi con bạn đăng công khai vị trí mình đang đứng và những gì mình đang làm, mà không nhận thấy hậu quả rằng đó là những thông tin biến chúng thành mục tiêu của những kẻ xấu bởi những kẻ này biết vị trí chính xác của con bạn”.
Cha mẹ và con cái nên có một giao kèo
Ảnh Thesmarttalk.org

Ông Hanson khuyến cáo các bậc cha mẹ nên sử dụng công cụ như là Smart Talk, một trang web với nhiều thông tin về vấn đề đảm bảo an toàn trên không gian mạng và một giao kèo mà các bậc cha mẹ và con cái có thể đặt ra các định hướng để con trẻ sử dụng internet như thế nào là hợp lý.

“Đây là một công cụ rất hay bởi nó không chỉ là việc cha mẹ hướng dẫn con cái nên làm gì, mà thực sự cha mẹ và con cái đang cùng có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với nhau, điều này đã được chứng minh là hiệu quả hơn trong việc đảm bảo một không gian mạng an toàn cho trẻ em”.
Mọi thiết bị điện tử đều phải có mật khẩu

Trong trường hợp thiết bị điện tử của một đứa trẻ bị mất hay bị lấy trộm, thì điều quan trọng là nó đã được cài mật khẩu rồi, ông Hanson nói. Theo đó, những thông tin nhạy cảm sẽ được bảo vệ, trách bất cứ người nào có ý đồ xấu muốn tìm kiếm các thông tin cá nhân của người bị mất.

Nhưng quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải trao đổi thẳng thắn với con cái

Ảnh Shutterstock

Dù có công cụ gì đi nữa thì những đứa trẻ vẫn vào mạng được. Việc đảm bảo chắc chắn chúng biết làm thế nào để cảnh giác, biết được cách đối phó khi nói chuyện với người lạ và khi vào mạng xã hội mới là điều quan trọng, các chuyên gia cho biết.

Đặc biệt đối với những đứa trẻ lớn, thì việc nói chuyện với người lạ trên mạng là điều ngày càng bình thường với chúng, và đây không phải lúc nào cũng là điều xấu. Đôi khi, chúng có thể nói chuyện với người lạ khi chơi game hoặc trên một trang mạng xã hội nào đó. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần phải đặt ra các quy định nền trước đó, yêu cầu con cái của mình phải online một cách có trách nhiệm, và thảo luận thẳng thắn với chúng về những phương thức phản ứng một cách lành mạnh trên các cộng đồng trực tuyến.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng không bị đánh giá một cách lệch lạc khi dựa vào số lượng “thích” (like) và bình luận mà bài đăng của chúng nhận được, bởi điều đó là hoàn toàn sai lầm. Những đứa trẻ có thể sẽ nhận được một ảnh hưởng tích cực trên mạng, nhưng sau đó đột nhiên điều này sẽ biến thành một tình huống rất xấu”.