Chuyên gia LHQ nói về ùn tắc giao thông và quá tải đô thị tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, bất cập về quy hoạch và sự hạn chế trong quản lý đô thị là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng quá tải và sự không tương xứng giữa mật độ xây dựng, mật độ dân cư với hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Làm sao để hạ tầng đô thị an toàn và bền vững như xu hướng chung trên toàn thế giới đã được Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN-Habitat) chia sẻ với phóng viên TTXVN. 

Những lỗi sai trong quy hoạch đô thị đang bị xem là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng quá tải trong đô thị và ách tắc giao thông công cộng, ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Quan điểm của ông thế nào về việc này? 

Đúng là phương pháp luận về quy hoạch đang có vấn đề. Người ta đang bị lẫn lộn giữa việc xây dựng quy hoạch chung với quy hoạch chi tiết. Thêm nữa, chúng ta đang thiếu rất nhiều các công cụ kiểm soát phát triển. Những công cụ hiện có cũng chưa được hoàn thiện và ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. 

Đơn cử như việc kiểm soát mục tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, mới chỉ dừng lại ở kiểm soát mật độ, tần suất hay chiều cao của các công trình xây dựng; vạch ra lộ trình phát triển, năm nào thì sẽ mở rộng đến đâu và bao nhiêu lâu thì điều chỉnh các quy hoạch đó.

Thực tế, quy hoạch chỉ là một vấn đề. Cốt lõi là việc tổ chức thực hiện, cũng như những hành lang pháp lý, công cụ để quản lý việc triển khai thực hiện quy hoạch. Quan trọng là những chính sách thực thi quy hoạch đòi hỏi phải có sự nhất quán và thống nhất thực hiện ở mọi cấp, ngành. Chẳng hạn, lâu nay, chúng ta kêu gọi xây dựng không gian xanh, hành lang xanh và hô hào có những hành động xanh. 

Trong khi đó, cộng đồng vẫn tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng các phương tiện cá nhân; các cấp chính quyền vẫn cho phép sở hữu các phương tiện cá nhân một cách tự do và không sử dụng những công cụ kinh tế như thuế để quản lý mà vẫn cứng nhắc áp dụng các công cụ hành chính. Theo tôi, điều đó sẽ không thể giải quyết được vấn đề và cũng không nói lên điều gì. 

Gần đây, tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương đang là điểm nóng giao thông, nhất là từ khi đưa tuyến bus nhanh vào phục vụ. Trong mối liên quan với quy hoạch xây dựng, ông bình luận gì về điều này? 

Có bài báo viết rằng, trong đoạn đường chưa tới 1km trên tuyến đường Lê Văn Lương có tới hơn 10 chung cư cao tầng mọc lên. Bạn thử hình dung, sau khi những tòa nhà đó được lấp đầy và với ngần ấy số lượng cư dân và phương tiện cá nhân đổ ra đường thì tuyến Lê Văn Lương có mở rộng thêm nữa cũng liệu có đủ sức chứa hay không? 

Quy hoạch chỉ là một bản vẽ với những nội dung và lộ trình cần thực hiện. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch ra sao mới là điều quan trọng nhất. Xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương như thế, nhưng “đùng” 1 cái, các chủ đầu tư tập trung xây dựng và dồn bung phát triển cùng lúc, dẫn tới sự ách tắc giao thông và quá tải về hạ tầng là điều dễ hiểu thôi. 

Nhìn ra nước ngoài mới thấy, như Hồng Kông (Trung Quốc) chẳng hạn, mật độ xây dựng ở đó có thể còn cao hơn nhiều chúng ta. Song, đi đôi với mật độ xây dựng là sự phát triển song hành của hạ tầng đô thị và hệ thống giao thông công cộng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, hạ tầng cơ sở và giao thông đô thị ở Thủ đô Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và sự kỳ vọng của người dân là do quá thiếu nguồn lực, quá thiếu tiền để đầu tư mở rộng, nâng cấp. Ông nghĩ sao về điều này? 

Thiếu ngân sách, thiếu nguồn vốn đầu tư luôn là khó khăn hiện hữu và lý giải vì sao hạ tầng đô thị khó phát triển. Vấn đề nằm ở chỗ, những chính sách mà chúng ta đang áp dụng hiện nay chưa tạo điều kiện cho việc lấy đô thị nuôi đô thị; chủ yếu chỉ dựa vào sự bao cấp và từ nguồn ngân sách Nhà nước. 

Khi dân số đô thị bùng nổ, hạ tầng xuống cấp, phải mở đường, xây cầu hay tìm các giải pháp tháo gỡ mà trong quá trình xây dựng, thiết kế quy hoạch không tính toán được hết, thì chẳng lẽ đành để đó vì không có tiền làm, không có nguồn để xử lý những bất cập phát sinh hay sao? 

Nguồn lực Nhà nước nào cho đủ với những dự án mở đường, đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi lợi ích từ quá trình phát triển đô thị lại rơi vào túi của nhiều chủ đầu tư tư nhân. Có thể thấy rõ rằng, chưa từng có quy định bắt buộc nào yêu cầu những chủ đầu tư các dự án bất động sản trên những tuyến đường, khu vực mà họ đang kinh doanh và thu lợi phải chịu trách nhiệm đóng góp xây dựng và phát triển hạ tầng, đường xá, hệ thống giao thông công cộng ở đó. Giống như thể, người tham gia giao thông nếu sử dụng ô tô thì phải trả tiền đóng góp, xây dựng và bảo trì đường xá, cầu cống, hạ tầng mà họ đang sử dụng mỗi ngày 

Nếu thiếu những nguồn lực này từ cộng đồng xã hội, từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư để “nuôi”, để tái đầu tư phát triển đô thị, thì mãi mãi, lúc nào chúng ta cũng bị thiếu hụt về hạ tầng, thiếu hệ thống xử lý nước thải, rác thải; thiếu tiền để giải quyết những vấn đề về an ninh, về giao thông công cộng… 

Do vậy, để phát triển đô thị và khi đô thị đã phát triển tới ngưỡng nhất định thì phải cần lấy kinh tế đô thị để nuôi đô thị, để đảm bảo nguồn đầu tư cho hệ thống hạ tầng và cũng là để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đô thị. 

Công tác quản lý đô thị cũng quan trọng không kém chứ, thưa ông? 

Đương nhiên là thế, quản lý đô thị hiện nay cũng còn rất nhiều bất cập. Công tác quản lý đô thị chưa đi song hành với quy hoạch và những yêu cầu cần thiết. Quản lý đô thị hiện chỉ dừng lại ở việc kiểm soát và giảm thiểu mật độ xây dựng cùng những tác động bất lợi tới sự phát triển của đô thị. Tuy nhiên, vẫn cho phép việc thay đổi quy hoạch một cách dễ dàng; vẫn điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện để tăng mật độ sử dụng đất ở khu nội đô, tăng tầng cao của các tòa nhà… 

Thêm nữa, chúng ta cũng đang thiếu những công cụ quản lý như địa giới, ranh giới của các thành phố; thiếu sự kết nối một cách thuận tiện giữa các đô thị với nhau dẫn tới việc nhiều thành phố xa trung tâm khó thu hút được người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư và phát triển. 

Vài năm trước đây, Quy hoạch mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội có đề cập tới sự phát triển các thành phố vệ tinh, như một trong những giải pháp giảm áp lực cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy nhiều nỗ lực đầu tư và thúc đẩy việc triển khai thực hiện. Thậm chí, khái niệm thành phố vệ tinh bị “lãng quên” như cách mà một số người quan tâm nhắc đến. 

Tôi cho rằng, phải tính tới và đẩy nhanh hơn việc phát triển các thành phố vệ tinh với những can thiệp mạnh mẽ từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặc dù, Chính phủ không tham gia vào việc điều tiết cung cầu bất động sản tại đó, nhưng cần tạo động lực để những đô thị như thế phát triển. 

Chính phủ cần tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, về hệ thống đường xá, phương tiện giao thông công cộng, dành các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư, thu hút các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh về đó để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, cũng như người dân ở những đô thị lân cận, khu trung tâm về đó làm việc và sinh sống. 

Thêm nữa, phải có sự đổi mới về công cụ quản lý, công cụ xây dựng quy hoạch theo xu thế của thị trường. Quy hoạch đô thị có trật tự và hiệu quả hay không cũng cần những công cụ quản lý của Nhà nước để điều tiết; chứ không thể để thị trường tự phát triển như thủ đô Băng cốc (Thái Lan) là một ví dụ.

Tôi nghĩ rằng, chi phí để giải những bài toán về đô thị luôn đắt giá và sẽ ngày càng đắt giá hơn nhiều. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!