Trong thời gian vừa qua tại TP.HCM và Hà Nội đã từng xuất hiện tình trạng ùn ứ tại một số chốt kiểm dịch. Nguyên nhân là do việc áp dụng các phần mềm/ ứng dụng và giấy đi đường mới khiến cho người dân còn bỡ ngỡ.
Việc sử dụng quá nhiều ứng dụng phòng chống Covid-19 đã gây ra khó khăn cho cả lực lượng chức năng lẫn người dân. Hôm 11/9, trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất 1 ứng dụng dùng chung duy nhất, gợi ý tên ứng dụng là PC COVID (Phòng chống Covid).
VietTimes có cuộc trao đổi với ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Dr.SMEs, chuyên gia CNTT về việc sử dụng một ứng dụng phòng chống Covid-19 thống nhất.
Phóng viên: - Thưa chuyên gia, hiện trạng trên địa bàn tâm dịch TP.HCM và Hà Nội thời gian qua có tình trạng một số chốt kiểm dịch COVID-19 bị ùn ứ vì người dân quá bất ngờ với ứng dụng khai báo y tế mới được áp dụng. Đây là một điều khá nguy hiểm vì khối lượng lớn người tập trung tại một địa điểm khiến dịch bệnh dễ lây lan phải không thưa ông?
Th.s Vũ Tuấn Anh: - Tập trung đông người một chỗ như thế này trong lúc dịch bệnh đang lây mạnh đúng là rất nguy hiểm. Với tư cách công dân, tôi cũng chưa hiểu sao lại có tới 3,4 ứng dụng cùng có thể khai báo y tế và các ứng dụng này kết nối với nhau như thế nào? Tốt nhất là chỉ có một ứng dụng cho toàn dân khai báo lịch sử dịch tễ, di chuyển, thì sẽ hợp lý hơn rất nhiều. Một người chấp pháp đứng hướng dẫn giữa hàng chục người dân như thế là cơ hội khiến dịch bệnh lây lan rất nhanh.
Người dân dừng xe trước chốt kiểm dịch để khai báo y tế |
- Sự ùn ứ này còn có nguyên nhân khác nữa là không phải người dân nào cũng sử dụng điện thoại thông minh có trả tiền gói 3G, 4G, 5G để có thể ngay lập tức đáp ứng yêu cầu khai báo trên một nền của cơ quan chức năng?
Th.s Vũ Tuấn Anh: - Tôi cực kỳ không hài lòng khi mà sống giữa một thành phố 4.0 nhưng không thấy triển khai các điểm phát miễn phí wifi để người dân có thể dễ dàng download phần mềm, thực hiện khai báo.
Tại sao chưa thấy Thành phố hay Chính phủ huy động các hãng thông tin viễn thông lớn vào cuộc để thông báo mạnh mẽ đến người dùng về việc triển khai khai báo y tế trên một nền tảng thống nhất theo yêu cầu.
Ngoài ra, còn phải đặt những màn hình lớn, phát kèm các video clip thông báo rõ về chủ trương và hướng dẫn cài đặt, sử dụng, hoặc in ấn nhiều pano, bandrol đặt trên các tuyến đường, trạm kiểm dịch gây chú ý để quảng bá cho việc này nhằm người dân biết đến thì mới thực hiện tốt được chứ.
- Theo ông, việc triển khai phần mềm quản lý di biến động dân cư thời gian vừa qua đã hợp lý chưa?
Về thời điểm, hoàn toàn có thể triển khai ngay tại thời điểm dịch bệnh này cũng tốt vì chắc chắn sẽ hỗ trợ quản lý F0, F1 tốt hơn. Nhưng vấn đề là cách thức triển khai thế nào. Cần thông báo nhắc nhở, hướng dẫn sử dụng trước hàng tuần rồi mới đi vào thực thi quyết liệt thì sẽ tránh cảnh ùn tắc.
Thậm chí ngay tại thời điểm kiểm tra trên đường, vẫn cần có các thông báo bằng âm thanh và hình ảnh ở trước mỗi điểm chốt, để người dân nếu ai chưa khai báo thì dừng lại khai báo, để đến chốt trạm thì sẽ dễ dàng kiểm tra rồi được qua mà không bị ùn tắc lại.
Th.s Vũ Tuấn Anh cho rằng chính quyền cần triển khai chiến lược hướng dẫn bài bản để người dân hiểu đúng về quản lý "di biến động dân cư" |
- Thưa chuyên gia, ông nghĩ thế nào về vấn đề sử dụng Big Data về dữ liệu dân cư trong trường hợp này?
Th.s Vũ Tuấn Anh: - Theo tôi, đối với dữ liệu của công dân, các Bộ ngành cần thống nhất về mặt kỹ thuật để liên kết các phần mềm với nhau để người dân chỉ phải khai báo y tế một lần ở bất kỳ phần mềm nào thì các phần mềm khác đều có dữ liệu.
Hơn nữa, hãy chuẩn bị tâm thế cho việc trong tương lai, nếu chúng ta có đi qua được đợt cao điểm dịch bệnh COVID-19 do chủng Delta gây ra lần này thì cũng còn có thể phải đối đầu với các biến chủng khác nữa. Hoặc thậm chí là các dịch bệnh khác, chắc gì đã kém nguy hiểm hơn COVID-19. Cho nên việc sử dụng Big Data, huy động sức mạnh tổng lực giữa các Bộ ngành là rất quan trọng.