Đó là quan điểm của ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) – tại tọa đàm với chủ đề “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam) trong khuôn khổ Hội nghị Thế giới số (ITU Digital World)2020 đang diễn ra.
Ông Đỗ Công Anh nhận định trong vài năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến nhiều công nghệ đột phá giống như những làn sóng không thể chống lại, trong đó phải kể tới Grab, Uber hay công nghệ Blockchain, tiền ảo. Có những công nghệ đột phá nhưng thay đổi từ từ và nó chuyển đổi toàn bộ mô hình cũ sang mô hình mới. Tuy nhiên, cũng có những mô hình mang tính phá hủy, tạo ra xung đột dữ dội khi cái mới xâm lấn như đã xảy ra như trong thời gian vừa qua.
Ông Đỗ Công Anh nói về việc cần tạo điều kiện cho các mô hình mới phát triển. Video: Anh Lê. |
“Chính phủ đã nhận thấy rất rõ vấn đề này và đã đặt ra nhiệm vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia. Thể chế và công nghệ chính là động lực cho chuyển đổi số. Trong đó, thể chế phải đi trước nếu có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế và chính sách để tạo điều kiện cho cái mới được chấp nhận.
Việc thử nghiệm sẽ dần biến thành văn hóa thử nghiệm, cho phép thử nghiệm những cái mới và được thử nghiệm đó phải được kiểm soát một cách chặt chẽ trong một không gian, thời gian nhất định khi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện” – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá nêu quan điểm.
Ông Đỗ Công Anh cũng cho rằng cần đánh giá lại và hoàn thiện hành lang pháp lý. Cụ thể, cần phải xây dựng hành lang pháp lý để cho phép thử nghiệm mô hình mới nhằm tận dụng một cách hiệu quả tác động tích cực của các công nghệ mới tới xã hội.
“Chương trình chuyển đổi số đã sẵn sàng cho vấn đề này” – ông Công Anh khẳng định.
Ông Đỗ Công Anh đánh giá chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là từ khi có dịch COVID-19 với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số tại Việt Nam thì trong thời gian qua đã diễn ra sự chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng và gần đây là lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Đây là những dư địa lớn để các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư.
Cần nhiều hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) - cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số. Do vậy, cần phát triển nhiều công nghệ mới và hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể tham gia bằng cách chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy, hợp tác với doanh nghiệp trong nước để kinh doanh...
Ông Tuyên cũng cung cấp thêm thông tin: Trong 5 năm gần đây, ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn cho doanh thu, xuất khẩu và nộp ngân sách nhà nước, với doanh thu 112 tỷ USD năm 2019, với trên một triệu lao động.
Theo Bộ TT&TT, hiện Việt Nam đã thu hút hơn 26.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 350 tỷ USD. Khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển của mọi thành phần của nền kinh tế, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia.
Tuy nhiên, việc thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài chưa đạt hiệu quả, đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia vào nghiên cứu và phát triển và công nghệ số còn hạn chế. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Do vậy, Việt Nam sẽ có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong giai đoạn chuyển đổi số.