Chính phủ số là chiến lược trọng tâm quốc gia của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là nội dung trọng tâm tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số trực tuyến (ITU Digital World 2020) sẽ được khai mạc vào ngày 20/10 tại Hà Nội với sự tham gia của các quốc gia trên thế giới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mục đích của việc này là để thích ứng với đại dịch Covid-19 qua việc chuyển đổi các hoạt động quản lý trên môi trường số. Từ năm 2021, các Bộ và địa phương sẽ triển khai một bảng xếp hạng chuyển đổi số để đo lường mức độ mà cơ quan quản lý đã triển khai các hoạt động trực tuyến trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Hai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đất đai của Việt Nam sẽ được số hóa, cho phép ứng dụng dịch vụ xác thực điện tử vào cuối năm 2021. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm phát triển năng lực và đào tạo kỹ năng số cho Chính phủ và doanh nghiệp, với mục tiêu Việt Nam lọt vào Top 4 nước ASEAN đứng đầu bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc vào năm 2030, và nằm trong top 70 nước trên toàn thế giới.

Nhanh chóng số hóa cơ sở hạ tầng

Với cơ cấu dân số trẻ xấp xỉ 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng GDP ổn định khoảng 7% trong 30 năm qua, Việt Nam đang nhanh chóng số hóa cơ sở hạ tầng viễn thông qua triển khai băng thông rộng quốc gia và triển khai 4G/5G là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tại các trung tâm đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dịch vụ 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thành phố thông minh và thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Đổi mới khoa học và công nghệ, bao gồm các ứng dụng mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và thực tế ảo/tăng cường (VR/AR) là nền tảng cho chiến lược chính phủ số của Việt Nam. Đồng thời, việc hiện thực hóa chiến lược này cũng cần sự giúp đỡ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ mới và mô hình thương mại tại Việt Nam.

Xu hướng trực tuyến ở Việt Nam

Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức thành công các hội nghị trực tuyến cấp cao, như: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

“Hợp tác và thống nhất trong việc phục hồi y tế, xã hội và tác động kinh tế của đại dịch” là chủ đề dự kiến sẽ làm nền tảng cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020.

 

Các nội dung về chính phủ số sẽ được giới thiệu tại Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020, sẽ là nền tảng cho sự kiện vật lý tiếp theo - ITU Digital World 2021, được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 10 năm sau.

Hợp tác trong phục hồi và phát triển

Trọng tâm của sự kiện là các chiến lược quốc gia số đã thay đổi hoặc đang thay đổi như thế nào trong đại dịch Covid-19.

Tầm quan trọng thiết yếu của công nghệ số đối với các chính phủ, các nền kinh tế, xã hội và cuộc sống cá nhân, cũng như khoảng cách bất bình đẳng kỹ thuật số giữa các quốc gia ngày càng rõ rệt. Sự khác biệt rõ ràng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển chính là ở sự chênh lệch về việc tiếp cận kết nối tốc độ cao, đáng tin cậy, cùng các công cụ và kỹ năng, kỹ thuật số để làm việc, học tập và hòa nhập xã hội, và những lợi ích của nó mang lại. 

Làm thế nào để các chính phủ và các công ty tư nhân có thể phối hợp cùng sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để đầu tư vào việc triển khai mạng, chuyển hướng các nguồn lực và các chiến lược tái tập trung để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số;  Những công nghệ mới có thể tiết kiệm chi phí nhất hoặc phù hợp với mục đích này; Liệu đại dịch có đủ thúc đẩy nhu cầu hay cần các sáng kiến khác từ phía cầu và ai sẽ là người đi đầu trong việc phát triển các sáng kiến; Làm thế nào chúng ta có thể cùng hợp tác trong phục hồi và phát triển - Đây là những vấn đề sẽ được bàn thảo trong các cuộc tranh luận bàn tròn và Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 sắp diễn ra.