Trở ngại về con người
Theo những điều tra không chính thức những năm 2000, có một tỷ lệ không dưới 50% cán bộ, chuyên gia đang làm việc ở tâm điểm của nền kinh tế tri thức (ở các trường đại học và viện nghiên cứu) không có thói quen sử dụng máy vi tính trong công việc của mình.
Đương nhiên, đó là một trở ngại lớn trong ứng dụng CNTT và ngay cả trong nội bộ làng tin học Việt Nam khi đó cũng có những chuyên gia không biết cách sử dụng máy tính mà tác giả bài báo này xin phép không tiết lộ danh tính. Đương nhiên, một khi bản thân ngành tin học không thực sự làm gương cho xã hội thì việc Đề án Tin học hoá Quản lý Hành chính giai đoạn 2001 – 2005 (Đề án 112) thất bại chẳng có gì là lạ!
Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia tin học đề nghị không nêu tên cho biết, đây cũng là vấn đề tồn tại ngay cả với các nước phát triển. Tuy nhiên, họ có cách làm rất kiên quyết, mà cụ thể phải nói đến nước Đức. Mô hình “lớp học xoay vòng” với sự đổi chỗ giữa thầy và trò từ chỗ tự phát sau đó đã trở thành một quyết sách chính thức của Thủ tướng Gherhard Schroeder khi đó để buộc các bậc thầy phải học lại từ chính các học trò của mình về các kỹ năng sử dụng máy tính.
Nay thì hơn 20 năm đã trôi qua và các bậc thầy lười sử dụng máy tính đã lần lượt nghỉ hưu và lớp trẻ với những hành trang tin học không thể thiếu đã dần thay thế họ. Như thế, đất nước Việt Nam đã bị lỡ nhịp chuyển đổi số vì phải mất thời gian chờ đợi các thế hệ đi trước chấm dứt vai trò trong các cơ quan, tổ chức của họ.
Chuyển đổi số chỉ thành công khi có mô hình quản trị phù hợp
Nói một cách hình tượng, để xây dựng được một phần mềm quản lý thì trước hết, mọi cơ quan tổ chức muốn ứng dụng CNTT phải có một quy trình quản lý rõ ràng, rành mạch. Tất nhiên, người ta hoàn toàn có thể có một cách làm khác là cứ mạnh dạn ứng dụng phần mềm quản lý có sẵn và sau đó yêu cầu đối tác cung cấp điều chỉnh, bổ sung để phần mềm thích ứng với hoạt động của đơn vị mình.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp chuyên về phần mềm kế toán như MISA đã cung cấp ra cho thị trường doanh nghiệp những phiên bản miễn phí cho những đơn vị mới thành lập. Sau đó, chính các khách hàng này sẽ có nảy sinh những nhu cầu riêng và chấp nhận trả phí để MISA điều chỉnh, bổ sung các tính năng mới của phần mềm kế toán cho họ.
Tuy nhiên, nếu nói về giải pháp tổng thể thì theo TS Nguyễn Đăng Minh – Chủ tịch Viện Quản trị Tinh gọn GKM, nếu như doanh nghiệp, tổ chức chưa xây dựng được mô hình quản trị thì chưa thể nói đến chuyển đổi số.
Như thế, ai cũng có thể thấy để xây dựng được mô hình quản trị phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức bất kể ở quy mô nào mà đương nhiên không thể không nói đến sự tăng trưởng, phát triển là một công việc không dễ.
Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể nhập khẩu các mô hình quản trị nước ngoài cho các doanh nghiệp, tổ chức và sau đó có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Song theo TS Nguyễn Đăng Minh, cách làm tốt nhất vẫn là phải làm sao xây dựng được những mô hình quản trị mang đặc thù Việt Nam.
Quản trị ở đây là trên mọi phương diện về kinh tế, công nghệ và con người. Trong đó, bản thân người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức phải đi đầu trong việc hướng tới mục tiêu thay đổi cách làm để nhắm tới việc tăng được năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm… Có được những tiền đề về mô hình quản trị thì mới có thể nói đến việc ứng dụng CNTT mà cao hơn là chuyển đổi số thành công.
Có thể nói, đất nước Việt Nam đang rất thuận lợi trong công cuộc chuyển đổi số với những chính sách lớn của Chính phủ cùng quyết tâm của doanh nghiệp, tổ chức… Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là công cuộc này lý ra có thể đến với đất nước sớm hơn nếu yếu tố con người không phải là một trở ngại. Chúng ta đã phải chờ một thế hệ những người đi trước chấm dứt vai trò để lớp trẻ khi đó mới có điều kiện để chủ động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho những công việc của mình.