|
Ngành y tế năm 2020 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ. |
Tại phiên chuyên đề hội nghị “Chuyển đổi số Y tế quốc gia” tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT – đã đưa ra đánh giá quan trọng về những đóng góp của ngành y tế số đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nhận định “chuyển đổi số là xu hướng tất yếu”, ông Đường cho rằng đây là quá trình tự thân, bởi “nếu không chủ động sẽ trở thành người đi sau, người mua hàng, bị dẫn dắt vì không nắm bắt được công nghệ”. Với tinh thần này, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình tiên phong chuyển đổi số thành công, trở thành nước đi đầu, mang công nghệ vươn ra thế giới.
Với khối dữ liệu tiềm năng, y tế là một trong những lĩnh vực được nhà nước ưu tiên đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Trước thách thức của đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo đã “biến nguy thành cơ”, đẩy mạnh chuyển đổi số tích cực trong ngành y tế, được ghi nhận qua những thành tựu nổi bật.
“Có thể nói năm 2020 là một năm ấn tượng của chuyển đổi số ngành y tế. Hàng loạt sự kiện, hàng hoạt hệ thống ngành y tế ra đời. Đầu tiên là các sản phẩm số được ứng dụng trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Ngày 30/6, hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ngày 25/9, Bộ Y tế khánh thành 1000 điểm khám chữa bệnh từ xa. Ngày 20/11, Bộ khai trương cổng công khai giá y tế. Theo tôi được biết, vào ngày 30/12 sắp tới, Bộ sẽ khai trương thêm nhiều tiện ích như mạng kết nối y tế, nền tảng quản trị y tế cơ sở, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử…” – ông Đường nêu nhận xét.
Qua những thành tựu đạt được, đại diện Cục Tin học hóa đánh giá cao vai trò của người đứng đầu cũng như sự chung tay vào cuộc của toàn ngành y tế.
“Với những kết quả ấn tượng cùng tiềm năng to lớn, người dân và cán bộ ngành y tế rất hi vọng và mong đợi hệ thống này phát huy hiệu quả, để chúng ta thực sự đưa thành tựu của chuyển đổi số y tế vào cuộc sống” – ông kỳ vọng.
|
Ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT. |
Bệnh viện phải coi bệnh nhân như khách hàng
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa chỉ ra một số vướng mắc còn tồn tại về thực tế ứng dụng công nghệ tại các bệnh viện, nhất là các tuyến cơ sở. Theo đó, những vấn đề chính gây ảnh hưởng đến trải nghiệm là người dân chưa được phổ biến về các dịch vụ y tế số như khám bệnh từ xa, y bạ điện tử, thanh toán trực tuyến… Thậm chí, có đến 40% bệnh nhân được khảo sát chưa được tiếp cận với bất kỳ dịch vụ công nghệ nào.
Nhắc đến quá trình chuyển đổi số trong y tế, ông Đường ví mô hình bệnh viện tương tự một quốc gia thu nhỏ, với chính quyền là Ban Giám đốc bệnh viện, đội ngũ công chức viên chức là cán bộ y tế, người dân là bệnh nhân. Với sự tương đồng đó, ông cho rằng có thể áp dụng những tiêu chí chuyển đổi số quốc gia vào xây dựng mô hình bệnh viện số.
“Giống như quốc gia số xác định người dân làm trung tâm, bệnh viện cũng nên lấy bệnh nhân làm trung tâm, bắt đầu thực hiện công tác số hóa với từng bệnh nhân, xây dựng mô hình quản trị y tế thông minh, môi trường y tế số, dữ liệu sức khỏe số, nền tảng y tế số, con người số” – ông Đường nhấn mạnh.
Cụ thể, khi lấy bệnh nhân làm trung tâm của chuyển đổi số, bệnh viện cũng cần đáp ứng nhu cầu, hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân. Bệnh nhân có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế trực tuyến do bệnh viên cung cấp, được kết nối trực tuyến được với bác sĩ, được theo dõi và sử dụng tài nguyên số để chủ động theo dõi sức khỏe.
“Những yếu tố này rất quan trọng. Bệnh viện phải coi bệnh nhân như khách hàng, vì vậy phải làm sao để khách hàng thấy hài lòng. Nếu nắm bắt được phương châm này, bệnh viện sẽ xác định rõ được mục tiêu, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công” – ông Đường nêu quan điểm.
Một trong những vấn đề lớn nhất của chuyển đổi số là bảo mật dữ liệu, nhất là đối với lượng thông tin “khổng lồ” được lưu trữ trong toàn ngành y tế. Dữ liệu là tài nguyên của chuyển đổi số, nếu sử dụng tốt sẽ mang đến hiệu quả tích cực. Ngược lại, dữ liệu bị rò rỉ, nhất là dữ liệu riêng tư, sẽ mang đến hậu quả khôn lường. Để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu y tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đường đề xuất phương án kết nối thống nhất, đồng bộ giữa các đơn vị để tối ưu hóa hiệu quả quản lý, giúp các cơ quan của ngành y tế có thể hợp tác trên nền dữ liệu sẵn có. Việc tận dụng tối đa dữ liệu công nghệ số, môi trường y tế số có thể hiện thực hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ kết nối khác trong hệ sinh thái.
Qua đó, ông Nguyễn Trọng Đường đưa ra 5 nguyên tắc phối hợp để quá trình chuyển đổi số ngành y tế diễn ra hiệu quả.
Thứ nhất, người đứng đầu phải thống nhất tất cả lực lượng, đưa ra chế tài cụ thể để các đơn vị phối hợp làm theo.
Thứ hai là đẩy mạnh các hợp tác nhằm tạo ra những giá trị chung, đóng góp mang tính xây dựng.
Thứ ba là nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, góp phần xây dựng nền văn hóa số trong cộng đồng.
Thứ tư là nắm bắt tối đa thể mạnh về công nghệ, dữ liệu mở trong quản trị y tế.
Thứ năm là công tác giáo dục, truyền thông, phổ cập công nghệ đến toàn dân, cùng hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
“Làm thế nào để toàn dân cùng nỗ lực vì mục tiêu chung là một trong những nguyên tắc rất quan trọng để chuyển đổi số thành công, để tiến về phía trước. Tôi tin rằng, nếu tất cả mọi người cùng nhau tiến về phía trước, thành công chắc chắn sẽ đến” – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa khẳng định.