Hướng tới ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8), sáng ngày 2/8, Bộ Thông tin Truyền thông đã có công văn gửi các cơ quan Thông tấn báo chí và các Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả của thảm họa da cam.
Theo đó, các cơ quan báo chí, truyền thông nên là đầu mối chủ trì tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cả trong nước lẫn nước ngoài, chung tay tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần.
Cơ quan truyền thông phải nêu rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người bị nhiễm chất độc da cam, những trợ cấp, ưu đãi cả với con cháu của người bị phơi nhiễm trong và sau chiến tranh. Phải tạo kênh thông tin tư vấn cho những người bị nhiễm trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thực hiện chính sách dân số.
Bộ cũng đề nghị các Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể chính trị xây dựng kế hoạch hoạt động tuyên truyền theo chuyên đề hoặc lồng ghép các nội dung tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục thảm họa da cam trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, khu dân cư.