Chứng khoán Việt Nam liệu có chứng kiến đợt bán tháo thứ 2 trong năm 2020?

VietTimes – Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với viễn cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài hơn mong đợi, cùng với những diễn biến mới căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Phiên giảm điểm mạnh cuối tuần (24/7) của VN-Index khiến các nhà đầu tư trên thị trường đều hết sức ngỡ ngàng. Tất cả đổ xô đi tìm kiếm nguyên nhân cho sự đổ vỡ này.

Đa số đều nhanh chóng cho rằng nó đến từ ca nghi nhiễm Covid-19 của bệnh nhân 57 tuổi tại Đà Nẵng.

Nếu sự đổ vỡ chỉ diễn ra tại Việt Nam thì có lẽ nguyên nhân trên là hợp tình, hợp lý nhất. Nhưng liệu đó có phải câu trả lời chính xác (!?). Để trả lời câu hỏi này, hãy nhìn sang diễn biến thị trường của các nước.

Thống kê cho thấy, các chỉ số trên thế giới đều giảm điểm cực mạnh: Trung Quốc (-3.86%), Hồng Kông (-2.21%), Hàn Quốc (-0.71%), Mỹ (-2.29%), Anh (-1.32%)...

Chỉ số VN-Index chốt phiên 24/7/2020 giảm gần 28 điểm, tương đương mức giảm 3,22% (Nguồn: VNDS)

Liệu có phải cả thế giới giảm điểm vì ca nghi nhiễm Covid19 tại Đà Nẵng (!?). Chắc chắn là không! Nguyên nhân của sự sụt giảm đến từ hai rủi ro chính đối với nền kinh tế toàn cầu.

Thứ nhất, căng thẳng Mỹ - Trung có xu hướng gia tăng bằng việc Trung Quốc đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, còn Mỹ đóng cửa tổng lãnh sứ quán Trung Quốc tại Houston, Texas. Sự việc này khiến giới phân tích cho rằng sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt về kinh tế để trả đũa của cả đôi bên. Từ đó gây tác động xấu nên lên kinh tế toàn cầu vốn đang hết sức lao đao vì đại dịch Covid-19.

Thứ hai, số ca nhiễm bệnh mới đang tăng cao kỷ lục tại rất nhiều nước và chưa có dấu hiệu chậm lại. Trong khi đó các nghiên cứu thử nghiệm về vaccine sẽ còn phải diễn ra trong một thời gian dài nữa. Một số chuyên gia y tế còn lo ngại không thể có vaccine trong năm 2021 tới đây.

Với một viễn cảnh dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, các quốc gia gần như không thể và không đủ khả năng (về tài chính) để đóng cửa thêm một lần nữa.

Rủi ro đại dịch tiếp tục lan rộng không thể kiểm soát đang ngày càng gia tăng. Và chính điều này khiến giới đầu tư hết sức lo ngại về khả năng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Khi mà các doanh nghiệp vẫn đang liên tiếp nối đuôi nhau phá sản.

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu như trên, giá vàng đã lập đỉnh mới sau 10 năm với giá giao dịch trên 1.900 USD/oz. Còn trong nước thì giá vàng tiến sát về ngưỡng 56 triệu VND/lượng.

Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với một “trận chiến” chống dịch Covid-19 dài hơn người ta mong đợi, song song với đó là tình hình căng thẳng Mỹ - Trung đang ngày càng gia tăng và diễn biến khó lường.

Những rủi ro này hoàn toàn có thể kích nổ “quả bom” đang được đợi sẵn trên thị trường, sau một đợt tăng trưởng nóng thần kỳ mấy tháng vừa qua dựa vào lượng tiền nóng được bơm vào từ các nhà đầu tư mới tham gia mà người ta hay gọi là “F0”.

Các nhà đầu tư lúc này cần tỉnh táo để bảo vệ tài sản của bản thân mình./.

(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)