Chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?

VietTimes – Theo FiinGroup, mức định giá P/E chưa ở mức quá cao trong bối cảnh tiền rẻ và dư thừa cung tiền, nhu cầu đầu tư tăng cao của người dân. Song, các CTCK tỏ ra khá thận trọng với TTCK giai đoạn này.
Chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?

Định giá vẫn còn hấp dẫn trong trung hạn

Trong báo cáo FiinPro Digest #8, FiinGroup cho biết P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 18,6x và P/E tương lai (forward) ở mức 17,8x. Kết quả này dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 20,7% của khối doanh nghiệp phi tài chính và 23,8% của các ngân hàng cho năm 2021 và mức 33,4% nói chung cho cả năm 2022.

Theo FiinGroup, mặc dù đã tăng mạnh gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có mức định giá rất hấp dẫn về trung hạn trong mối tương quan với triển vọng lợi nhuận 2021 và 2022.

FiinGroup cũng cho rằng mức định giá P/E chưa ở mức quá cao trong bối cảnh tiền rẻ và dư thừa cung tiền, nhu cầu đầu tư tăng cao của người dân như cứu cánh làm giàu.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang ở giai đoạn bùng nổ giai đoạn đầu 2007 và sau đó bước vào giai đoạn khủng hoảng và thoái trào sau đó đến tận 2015. Tuy nhiên, theo rà soát và các chỉ số định giá cũng như bối cảnh thị trường thì chưa cho thấy điều đó ngoại trừ các yếu tố “bùng nổ” về sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và dòng tiền mới.

FiinGroup cho biết, mức định giá hiện nay của VN-Index không chỉ được hỗ trợ bởi mức định giá trên cơ sở tương quan triển vọng tăng trưởng cao về lợi nhuận mà còn về quy mô và độ sâu của thị trường mà còn thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2007 khi mà ở thời điểm đó P/E ở mức 31,4x và P/B lên tới 8,9x tại thời điểm cuối Q1- 2007.

Không dễ kiếm lời

Theo khảo sát của VietTimes, trong báo cáo chiến lược tháng 6/2021, một số công ty chứng khoán như VDSC, VNDirect và SSI dù vẫn giữ quan điểm tích cực về định giá của thị trường song tỏ ra khá thận trọng trong chiến lược giao dịch.

Theo VDSC, mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn dự kiến trong năm 2021 có thể là một nhân tố tiêu cực tác động đến thị trường chứng khoán trong tháng 7 hoặc Quý 3/2021. Tuỳ vào diễn biến của dịch bệnh, tăng trưởng GDP của Quý 2/2021 có thể thấp hơn kỳ vọng khi giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 31/5/2021.

Đồng quan điểm, VNDirect dự báo rằng làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ tư có thể cản trở triển vọng tăng trưởng trong Quý 2/2021. Dù định giá thị trường hiện tại đang ở mức hợp lý, song các doanh nghiệp cần thời gian để cải thiện kết quả kinh doanh, từ đó đưa thị trường về mức định giá hấp dẫn hơn.

Thêm nữa, VNDirect đánh giá rủi ro lạm phát sẽ cao hơn trong Quý 2/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, NHNN sẽ cần thận trọng hơn khi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, SSI cho biết động lực tăng trưởng của thị trường đang mạnh, dù vậy nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận.

Theo đúng kịch bản mà SSI đưa ra, VN-Index đã lần lượt chinh phục các ngưỡng kháng cự quan trọng và chính thức vượt qua vùng giá mục tiêu gần 1.350 điểm trong báo cáo chiến lược tháng 5/2021.

SSI cho rằng quán tính tăng điểm vẫn được duy trì ở nửa đầu tháng 6 nhờ động lực mạnh mẽ từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục hướng về vùng mục tiêu tiếp theo 1.400 điểm và có thể đi xa hơn trong trường hợp hạn chế của hệ thống giao dịch được khắc phục vượt kỳ vọng.

Mặc dù vậy, SSI cũng thể hiện quan điểm thận trọng khi chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 đã tăng 23,59% và 40,5% nếu tính từ đầu năm có thể sẽ kích hoạt mạnh cung chốt lời trong ngắn hạn khi các chỉ số tiếp tục tiến lên vùng điểm số cao hơn.

Phân tích kỹ thuật cũng ủng hộ cho quan điểm này, khi sóng 5 tăng giá của mẫu hình Elliot đang dần đươc hoàn thiện thì nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận trong quá trình chỉ số VNIndex hướng về vùng 1.400 điểm và quay lại tìm cơ hội ở vùng hỗ trợ gần là 1.350 điểm và xa hơn là 1.300 điểm khi có điều chỉnh diễn ra./.