Đã 3 tháng trôi qua, nhà đầu tư trên thị trường mới bức xúc trở lại với tình trạng nghẽn lệnh của HOSE đến vậy.
Theo quan sát của VietTimes, nhờ những giải pháp cấp bách tạm thời, cả hành chính và kỹ thuật, khả năng chịu tải của sàn HOSE đã tăng lên đáng kể, những phiên giao dịch tỉ USD xuất hiện nhiều hơn. Sàn HOSE ‘thông’ nghẽn, người dân cũng đổ xô đi mở tài khoản chứng khoán.
Nhưng ‘room’ thanh khoản mà HOSE tạo ra cũng nhanh chóng được lấp đầy. Để rồi, hôm 1/6, Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà đã phải ra văn bản, quyết định ngừng giao dịch trước những cảnh báo mất an toàn của hệ thống.
Nhằm tránh tình trạng nghẽn lệnh, một giải pháp tạm thời - đã được HOSE đề xuất từ trước đó - được áp dụng, đó là hạn chế việc huỷ/sửa lệnh.
“Việc chặn huỷ/sửa lệnh đúng là không tốt cho thị trường. Tuy nhiên, với thị trường có khối lượng giao dịch rất lớn như bây giờ thì việc cho phép huỷ/sửa lệnh liên tục sẽ tạo ra rất nhiều lỗi kỹ thuật 2G dẫn tới có thế gây ‘sập’ hệ thống. Mà HOSE ‘sập’ thì hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều” – lãnh đạo của một công ty chứng khoán chia sẻ với VietTimes.
Song, giải pháp tạm thời nào cũng có bất cập riêng. Thanh khoản trên HOSE đúng là có cải thiện nhưng lại xuất hiện tình trạng nhận lệnh và trả lệnh tại các công ty chứng khoán bị chậm, khiến các mức giá hiển thị trên bảng điện tử không cập nhật kịp thời, cung – cầu trên thị trường không được phản ánh đúng mức.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới của Mirae Asset, khi không cho huỷ/sửa lệnh, kết hợp với tình trạng bảng điện bị chậm, nhiều môi giới đã tư vấn cho khách hàng sử dụng lệnh MP.
“Khi hệ thống trả lệnh về chậm, nhà đầu tư rơi vào tình trạng bị ‘nhiễu’ về cung cầu, dần tạo áp lực đè nén. Tâm lý này kết hợp với sự điều chỉnh ở các mã cổ phiếu hút tiền như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản đã tạo ra sự hội tụ về tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư. Sự hội tụ tâm lý ở chiều bán, cùng với các lệnh MP được sử dụng ồ ạt đã tạo ra những phiên giảm điểm sâu như giai đoạn vừa qua” – ông Tuấn cho biết.
Cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, hệ thống giao dịch của HOSE không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư hiện nay là câu chuyện đã kéo dài qua nhiều thế hệ. Bởi thế mới có chuyện mất tới 9 năm mà HOSE vẫn chưa thể đưa hệ thống của KRX vào vận hành.
Một hệ thống mới là điều mà các nhà đầu tư vẫn mong mỏi, được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE, nhưng thực tế cho thấy giải pháp này không thể đạt được trong một sớm một chiều.
HOSE đang ở cuối chặng đường theo đuổi “kế hoạch 100 ngày” cùng với FPT triển khai hệ thống giao dịch mới. Hệ thống này đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng, sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh, dự kiến sẽ áp dụng vào đầu tháng 7 tới.
Tuy nhiên, cho đến khi hệ thống này vận hành, tình trạng nghẽn lệnh vẫn sẽ là khó khăn chung của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, không phải chỉ riêng của nhà đầu tư nào.
Biết rằng các giải pháp tạm thời có nhiều bất cập, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sẽ sụp đổ, thị trường sẽ dừng hoạt động. Mà như Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng từng chia sẻ: “Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi!”.
Trước thông tin cho rằng, tại một số công ty chứng khoán có hiện tượng “tự doanh thì sửa/hủy lệnh được, còn nhà đầu tư thì không”, lãnh đạo HOSE khẳng định phía cơ quan quản lý đã quán triệt và không cho phép các công ty chứng khoán thành viên làm điều này.
Hiện HOSE cũng giám sát rất chặt chẽ. Các công ty chứng khoán cũng đều có cam kết tuân thủ bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư nếu áp dụng ngừng hủy/sửa lệnh.
Lãnh đạo HOSE cho biết hệ thống xử lý chậm là do quá tải hệ thống và đây là tình trạng chung đối với tất cả các công ty chứng khoán thành viên về thời gian nhận và trả lệnh, "không có chuyện 'ưu ái' cho công ty chứng khoán nào". Việc hệ thống quá tải là điều không mong muốn và ưu tiên cao nhất hiện nay là cố gắng cao nhất để hệ thống hiện tại được an toàn.
Ghi nhận thực tế, bắt đầu phiên giao dịch chiều nay (9/6), nhiều công ty chứng khoán đã mở lại việc huỷ/sửa lệnh cho các nhà đầu tư./.