Theo ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng giám đốc VIDIFI, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dự kiến đưa vào sử dụng khai thác được chia thành 3 giai đoạn gồm giai đoạn 1 khai thác đoạn Km74+000-Km96+700 (địa phận thành phố Hải Phòng) với chiều dài khai thác 22,7km từ tháng 5/2015.
Giai đoạn 2 sẽ khai thác đoạn từ Km 21+523-Km 96+700 (nút giao Quốc lộ 39 địa phận tỉnh Hưng Yên đến nút giao TL 353 địa phận thành phố Hải Phòng) có chiều dài 75km kể từ tháng 9/2015.
Giai đoạn 3, từ tháng 12/2015, khai thác toàn tuyến từ Km0+000 (địa phận thành phố Hà Nội) đến Km 105+827 (địa phận thành phố Hải Phòng).
Đối với 75km chuẩn bị được đưa vào khai thác, ông Vũ Hữu Thành cho biết, đoạn tuyến này được khởi công từ ngày 17/5/2008 và thời gian hoàn thành vào ngày 20/9/2015. Trên tuyến có 16 cầu chính tuyến, 15 cầu vượt ngang, 80 cống chui dân sinh và 4 nút giao liên thông bao gồm nút giao Quốc lộ 39, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 10 và nút giao TL353, các nút giao được thi công hoàn chỉnh theo thiết kế.
Tính đến ngày 11/9, ngoại trừ cây xanh cảnh quan dọc tuyến, hệ thống giao thông thông minh, các trạm thu phí đang trong giai đoạn hoàn thiện, các hạng mục khác của công trình đều đã được các nhà thầu thi công xong, sẵn sàng đưa vào phục vụ khai thác.
Bên cạnh đó, đoạn tuyến 75km còn một số hạng mục vừa thông xe, vừa thi công hoàn thiện gồm các trạm thu phí, điều chỉnh hệ thống an toàn giao thông, hệ thống ITS giám sát quản lý giao thông và theo dõi nền đất yếu một số đoạn tuyến.
Trước đó, VIDIFI đã đưa khai thác đoạn tuyến dài 22,7 km, Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đoạn từ nút giao với Quốc lộ 10 (Km74) đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng, thành phố Hải Phòng (Km96+700) vào ngày 27/5.
Trong giai đoạn khai thác tạm các đoạn tuyến của đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (năm 2015), để khuyến khích phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến này, VIDIFI đề xuất áp dụng mức thu phí là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tương tự với mức phí đang thu trên cao tốc Nội Bài- Lào Cai, Bến Lức-Long Thành và Cầu Giẽ-Ninh Bình (đoạn 4 làn xe).
Cụ thể, VIDIFI đưa ra biểu giá mức thu phí để lưu thông 22,7km cao tốc này thấp nhất là 35.000 đồng/xe đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng và cao nhất đối với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container bằng 40 fit là 180.000 đồng/xe.
Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nối từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Hải Phòng đi qua 4 tỉnh thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Điểm đầu của dự án giao cắt với đường vành đai 3 (cách mố Bắc cầu Thanh Trì hơn 1km, cách đê sông Hồng 1,4km về phía Bắc Ninh) thuộc địa phận phường Thạch Bàn-Long Biên-Hà Nội. Điểm cuối tại Đình Vũ-quận Hải An-thành phố Hải Phòng.
Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 và hoàn thành vào năm 2015 với tổng chiều dài là 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 120km/giờ. Bề rộng nền đường 33m, 54 cầu lớn nhỏ, 108 cống chui dân sinh, 9 nút giao liên thông khác mức.
Tổng mức đầu tư tuyến cao tốc này là 45.487 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Số vốn ban đầu được dự toán vào mức xấp xỉ 25.000 tỷ đồng./.
Theo Vietnam+