|
BS. Trần Văn Bắc – Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy) |
Nhanh chóng đón bệnh nhân để điều trị
Trao đổi với PV VietTimes, BS. Trần Văn Bắc – Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: dự kiến chiều nay Bệnh viện sẽ tiếp đón công dân Việt Nam từ Giunea Xích đạo về nước ở sảnh phía trước Khoa Cấp cứu. Bệnh viện đã chuẩn bị tổng cộng 7 người tiếp đón bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu. Do các bệnh nhân đã đi một quãng đường dài để về nước, nên các bác sĩ sẽ nhanh chóng sắp xếp bệnh nhân, tránh tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian chờ đợi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.
|
BS. Trần Văn Bắc – Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
|
Hiện, toàn bộ công tác chuẩn bị từ máy móc, thiết bị bảo hộ,… đã được chuẩn bị đầy đủ. Các phòng áp lực âm đã được kiểm tra kỹ, các dụng cụ cấp cứu gồm: thuốc, máy thở, máy hút đờm, bộ đặt nội khí quản,… đều đã sẵn sàng. Khi có bệnh nhân thì các bác sĩ không nhất thiết phải lấy đồ nữa, mà nhanh chóng điều trị, chăm sóc cho người bệnh.
|
Phòng cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 được chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại (Ảnh: Minh Thúy)
|
Dự kiến trong chiều nay, 20 xe cấp cứu sẽ chở các công dân Việt Nam từ Giunea Xích đạo về nước, trong đó có 10 xe chở bệnh nhân, 5 xe cứu thương, 5 xe chở đồ. Xe chở bệnh nhân âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ vào trước để đưa người bệnh đến khu vực cách ly riêng, tránh lây nhiễm với bệnh nhân dương tính. Hành lý xách tay của công dân sẽ được khử khuẩn toàn bộ. Bệnh viện cũng đã bố trí 2 thang máy riêng để đưa bệnh nhân về khu vực cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm tối đã giữa bệnh nhân với nhân viên y tế.
|
Bên trong phòng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy)
|
Theo BS. Bắc, Khoa Cấp cứu có tổng cộng 26 nhân viên, đã bố trí 4 người tiếp đón trước bệnh nhân khi về tới Bệnh viện, 3 người còn lại sẽ chuẩn bị để thực hiện các công việc tiếp theo. Theo thông tin ban đầu mà Bệnh viện nhận được, trong 120 bệnh nhân mắc COVID-19, số lượng bệnh nhân mắc bệnh nặng không đáng kể.
Máy móc, trang thiết bị hiện đại đã sẵn sàng
Thông tin về các máy móc, trang thiết bị hiện đại Bệnh viện đã chuẩn bị để cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, BS. Bắc cho hay: Khoa Cấp cứu đã chuẩn bị 2 phòng áp lực âm đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Cùng với đó còn có máy thở, máy hút đờm, bình oxy, thuốc, các dụng cụ cấp cứu, đặc biệt có cả dụng cụ đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân để hạn chế tối đa lây nhiễm giữa nhân viên y tế và người bệnh. Dự kiến, Khoa Cấp cứu có thể tiếp nhận điều trị tối đa 15 bệnh nhân mắc COVID-19.
|
BS. Trần Văn Bắc giới thiệu về phòng áp lực âm được đặt tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện (Ảnh: Minh Thúy)
|
BS. Bắc cho hay, những bệnh nhân mắc COVID-19 ở tình trạng nặng với nồng độ virus SARS-CoV-2 cao sẽ được ưu tiên sử dụng phòng áp lực âm. Một phòng áp lực âm chỉ có thể điều trị cho 1 bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính có nguy cơ lây lan nhanh.
|
Dịch truyền, các loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân đã được chuẩn bị đầy đủ (Ảnh: Minh Thúy)
|
Bệnh viện cũng đã mở rộng khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân với nhiều phòng bệnh với các trang thiết bị hiện đại, đầy đủ, đảm bảo mỗi giường bệnh cách nhau 2m, có trang bị hệ thống oxy khí nén, hệ thống monitor kết nối với hệ thống trung tâm để các bác sĩ theo dõi, giám sát người bệnh. Ngoài ra, 3 robot hiện đại có chức năng theo dõi, giúp bác sĩ trao đổi với bệnh nhân trong khu vực cách ly cũng sẽ được đưa vào sử dụng để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Theo BS. Bắc, robot giúp bác sĩ chăm sóc, theo dõi bệnh nhân mắc COVID-19 có chức năng chính là theo dõi, tương tác với bệnh nhân, giảm số lượng chuyên gia y tế trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Với sự hỗ trợ của robot cùng công nghệ hiện đại, một chuyên gia có thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân thay vì chỉ chăm sóc cho một bệnh nhân. Bác sĩ có thể vừa trao đổi với bệnh nhân và nhân viên y tế ở trong phòng bệnh, có thể yêu cầu các can thiệp cần thiết. Ví dụ như khi thấy bệnh nhân thở nhanh thì nâng tần số thở, oxy hỗ trợ,… để giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh.
Ngoài việc hỗ trợ các bác sĩ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, robot còn là phương tiện để khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn các ca bệnh có hiệu quả. Con robot này có thể đưa đến các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa giúp các bác sĩ không phải đi lại nhiều, hội chẩn các ca bệnh dễ dàng, đồng thời, trực tiếp đưa ra hướng điều trị phù hợp. Không chỉ vậy, trong tương lai robot có thể tham gia và quá trình đào tạo trực tuyến từ xa – giảng viên có thể trao đổi trực tiếp với học viên ở nhiều địa phương khác nhau.