GS. TS. Nguyễn Văn Kính:

Chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh khiến 5% số người nhiễm trở nặng

VietTimes – Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh khiến 5% số người nhiễm sẽ diễn biến nặng và nguy kịch.  
GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)

Đã xác định được 6 chủng

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính, virus SARS-CoV-2 ở trong tự nhiên và không rõ nguồn gốc bắt nguồn từ đâu. Trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới, virus này liên tục biến chủng. Bản chất của virus SARS-CoV-2 là luôn luôn đột biến. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định virus có biến chủng hay không. Hiện, thế giới đã ghi nhận gần 99 chủng virus SARS-CoV-2.

Ông Kính cho hay: Đến nay Việt Nam mới ghi nhận 6 chủng virus SARS-CoV-2. Với 6 chủng virus mới này, các chuyên gia đã xác định mức độ lây lan của virus rất nhanh nhưng độc lực của nó so với virus ban đầu là không thay đổi. Hệ quả là có rất nhiều người nhiễm virus nhưng chỉ có 5% trong số đó có diễn biến bệnh nặng và nguy kịch.

Điều này giải thích lý do vì sao trên thế giới cứ 3 ngày lại tăng thêm 1 triệu ca mắc mới COVID-19 trong khi trước đây phải mất 1 tuần thì mới đạt con số này. Hiện, toàn thế giới đã cán mốc 16 triệu ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, số tử vong đang dần kiểm soát được, chứng tỏ một lần nữa việc virus lây lan nhanh nhưng độc lực không thay đổi. Nhận thức rõ được điều này chúng ta cố gắng truy vết để cách ly, ngăn chặn mọi con đường lây truyền của virus.

Virus SARS-CoV-2 được phân lập thành công tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
Virus SARS-CoV-2 được phân lập thành công tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

Mặc dù chủng mới lây lan nhanh nhưng nếu tăng cường truy vết hết tất cả ca bệnh từ F0 cho đến F3 thì nguy cơ lây lan cộng đồng có thể khống chế được. Bên cạnh truy vết thì có thể tạm thời phong tỏa vùng nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 quy mô nhỏ, thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó, cần tuân thủ biện pháp đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng, khuyến cáo cho người dân không tụ tập đông người.

Bệnh nhân 418 mắc COVID-19 đang trong tình trạng nặng

Theo ông Kính, việc Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 trong công đồng cũng đã nằm trong dự tính của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 bởi các nước xung quanh có tình hình dịch phức tạp. “Chúng ta không nên quá sợ hãi và cần bình tĩnh chiến đấu, vì chúng ta đã có kinh nghiệm trong giai đoạn 1 phòng, chống dịch COVID-19 nên cần truy vết và phong tỏa ở trình độ cao hơn. Thay vì phong tỏa cả nước chúng ta phong tỏa từng vùng một, bị ở đâu phong tỏa ở để người dân an tâm.” – ông Kính nói.

Thực tế, đã có tới 5-10% các ca mắc COVID-19 diễn biến nặng. Những người đã phải thở máy, điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) thì tiên lượng bệnh rất nặng. Vì thế các bác sĩ cá thể hóa việc điều trị cho bệnh nhân. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế gồm các giáo sư đầu ngành đã cùng nhau chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất, vượt qua từng thách thức như trong quá trình điều trị cho bệnh nhân 91. Tuy nhiên, khả năng hồi phục của bệnh nhân đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của từng người bệnh.

Hiện, bệnh nhân 418 mắc COVID-19 đang trong tình trạng nặng. Bản thân bệnh nhân đang mắc tiểu đường, cao huyết áp cộng thêm COVID-19 nên bệnh nhân phải thở máy. Bệnh nhân 418 ở trong tình trạng nặng hơn bệnh nhân 416. Vì thế, các bác sĩ đang dốc hết sức chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân này.