|
Ảnh minh họa |
Báo cáo cập nhật kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho hay, tháng 11 lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam đạt 14.000 chiếc, trị giá 240 triệu USD, tăng so với cùng kỳ năm trước là hơn 6.000 chiếc và hơn 85 triệu USD.
Tính chung 11 tháng qua, nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc về Việt Nam đạt 112.000 chiếc, đạt trị giá 2,579 tỷ USD, tức trung bình mỗi tháng, người Việt chi ra hơn 234 triệu USD để nhập khẩu hơn 10.000 xe ô tô nguyên chiếc.
Tốc độ nhập xe hơi về Việt Nam 11 tháng qua vượt cả về lượng và trị giá so với cả năm 2014 và 2013 cộng lại. Năm 2014, Việt Nam chi 1,57 tỷ USD nhập 72.000 chiếc xe và năm 2013 là 709 triệu USD.
|
Bất chấp thuế, phí cao, người Việt vẫn chi 2,6 tỷ USD nhập xe ô tô nguyên chiếc, bằng kim ngạch cả hai năm trước đó cộng lại. (Ảnh minh họa). |
Theo cơ quan thống kê, nếu tính luôn linh kiện và phụ tùng ô tô thì tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng ô tô của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay lên đến 5,3 tỉ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Hải Quan, các dòng xe nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ…
Trước đó, đầu tháng 10/2015, Chính phủ đã nhất trí với phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới của Bộ Tài Chính để trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm chuẩn bị trình Quốc hội, phương án tính thuế tiêu thụ mới đã được hoãn lại để hoàn thiện, bổ sung trình kỳ họp tới vào tháng 3/2016.
Như vậy, cách tính thuế TTĐB thấp đối với xe có dung tích dưới 2.000 cc và cao đối với xe có dung tích từ 2.000 cc trở lên vẫn chưa được áp dụng, điều đó có nghĩa là mức thuế TTĐB đối với dòng xe từ 2.000 cc xuống vẫn được giữ ở mức 45% thay vì giảm xuống 25% như trong kiến nghị.
Ngoài tác động của chính sách thuế TTĐB, các chuyên gia và giới phân tích cho hay, thị trường ô tô nhập khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều diễn biến mới khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12/2015. Các cam kết giảm thuế nhập khẩu từ 75% xuống 50% từ khi chính thức gia nhập AEC, đến 0 - 5% vào năm 2018 sẽ khiến lượng ô tô từ các nước ASEAN đổ vào Việt Nam tăng mạnh.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia FTA với EU, tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% sau 10 năm cũng khiến thị trường nhập khẩu ô tô tại Việt Nam được nhận định tăng trưởng rất nóng, năm sau có thể tăng gấp đối, gấp ba so với các năm trước cộng lại.
Hoãn giảm thuế tiêu thụ: Giá ô tô sẽ chỉ tăng không giảm?
Theo chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII mới được Văn phòng Quốc hội điều chỉnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế đã không còn nằm trong danh sách biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này.
Theo đại diện Bộ Tài chính, sau khi lấy ý kiến các bên, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện để trình lại dự thảo Luật trên. Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật về thuế sẽ được thông qua tại kỳ họp năm sau vào tháng 3/2016.
Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ đã trình phương án giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt từ 20-25% so với mức hiện hành đang áp dụng là 45% đối với các dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích thấp dưới 2.000 cm2. Đồng thời, đề xuất tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với những xe có dung tích 2.000 - 3.000 cm3 lên 55-60% và trên 3.000 cm3 lên 110-130%.
Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe dung tích nhỏ và tăng thuế với các “siêu xe” nhiều lần được lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải là nhằm mục đích người dân có thu nhập trung bình cũng có điều kiện mua xe và tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế diễn ra chiều 13/11, nhiều đại biểu đã đề nghị cân nhắc việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô. Nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe dưới 9 chỗ bởi có thể sẽ “bóp chết” ngành ô tô nội và khiến tiêu dùng bùng nổ trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Đại biểu cũng đề nghị không nên chia nhỏ để áp thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ôtô có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống và dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 và đề nghị áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thống nhất đối với dòng xe này.
Không có cơ hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng ô tô lại phải đối mặt với nguy cơ tăng giá ngay từ đầu năm 2016 sau khi Nghị định 108 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực.
Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên giá bán buôn của các đơn vị nhập khẩu thay vì chỉ tính trên giá CIF cộng với thuế nhập khẩu như trước đây. Với cách tính mới, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên cả những chi phí như vận chuyển hay marketing và một phần lợi nhuận của nhà nhập khẩu…
Các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, với cách tính trên, giá bán lẻ của nhiều loại ô tô có khả năng sẽ tăng thêm 15-30%.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, việc trong kỳ này Quốc hội hoãn đưa ra phán quyết với các Luật thuế dường như cũng phần nào khiến giới kinh doanh xe tạm “thở phào". Cụ thể, trong dự thảo Luật được Chính phủ trình lần này, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt bị thay đổi khác xa so với hướng dẫn của Nghị định 108 vừa ban hành hôm 28/10.
Trước đó, nhằm kiến nghị lùi thời hạn áp dụng Nghị định 108, các nhà nhập khẩu xe ô tô cho biết, họ quan ngại sâu sắc về việc liên tục điều chỉnh các chính sách thuế trong thời gian quá ngắn. Sự thay đổi trong chính sách thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp và gây tiếng xấu cho môi trường kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững của ngành ô tô nói riêng.
"Một Nghị định vừa được ban hành gần như sửa đổi hoàn toàn bởi một văn bản luật khác có nội dung khác biệt", đại diện các hãng xe này chỉ ra. "Chính việc thay đổi chính sách thuế liên tục gây tác động xấu đến thị trường và ảnh hưởng đến sức mua của ngành ô tô”, đại diện các hãng xe nêu.
Theo Đời sống Pháp luật