Ô tô thị trường Việt Nam giảm giá: Thấp thỏm rồi....vỡ mộng

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn người tiêu dùng đã rơi vào trạng thái liên tục “sấp ngửa” với hy vọng về việc giảm giá bán lẻ ôtô. Người tiêu dùng ôtô đã có lúc hân hoan với viễn cảnh giảm giá đối với các loại xe cỡ nhỏ...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mừng hụt

Nếu như lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đã được vạch sẵn tại các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia thì mới đây, khi Bộ Tài chính xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, người tiêu dùng ôtô đã có lúc hân hoan với viễn cảnh giảm giá đối với các loại xe cỡ nhỏ.

Khi xây dựng dự thuế luật thuế mới, Bộ Tài chính đã đề xuất các mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe có dung tích xi-lanh động cơ từ 2.000 cm3 trở xuống. Đáng chú ý, đây chính là các loại xe đang chiếm phần lớn thị trường ôtô Việt Nam và cũng là chủ lực của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.

Có lẽ khi đó, việc Bộ Tài chính đề xuất các mức thuế suất giảm dần theo dung tích xi-lanh là để hỗ trợ tích cực cho ngành công nghiệp ôtô, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô theo chiến lược và quy hoạch giai đoạn mới đã được Chính phủ ban hành hồi cuối năm ngoái.

Khi thuế nhập khẩu kết hợp với thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, cơ hội giảm giá của các loại xe cỡ trung đến cỡ nhỏ có dung tích xi-lanh từ 2.000 cm3 trở xuống là rất sáng sủa. Thế nhưng, khi người tiêu dùng chưa kịp chìm vào giấc mơ giá xe thì đã phải tỉnh dậy cũng bởi những điều chỉnh về thuế.

Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, ngay khi chưa chính thức trình lên Quốc hội xem xét, Bộ Tài chính cũng đã điều chỉnh các mức thuế suất trong dự thảo. Ban đầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất từ 5% đến 20% từ thời điểm 1/7/2016 và từ 15% đế 25% từ thời điểm 1/1/2018 đối với xe có dung tích xi-lanh từ 2.000 cm3 trở xuống.

Nhưng sau khi nhận được các ý kiến đóng góp từ nhiều cơ quan, Bộ Tài chính đã tiến hành điều chỉnh đáng kể các mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe này.

Cụ thể, ôtô có dung tích xi-lanh từ 1.000 cm3 trở xuống sẽ được giảm mức thuế suất từ 45% hiện hành xuống còn 40% từ ngày 1/7/2016 và giảm tiếp xuống còn 30% từ ngày 1/1/2018; loại có dung tích xi-lanh từ trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 giảm từ mức 45% hiện hành xuống còn 40% từ ngày 1/7/2016 và giảm tiếp về 25% từ ngày 1/1/2018; loại có dung tích xi-lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 sẽ giảm mức thuế suất từ 45% hiện hành xuống còn 40% từ 1/7/2018 và giảm tiếp còn 30% từ ngày 1/1/2018.

Không giảm, lại còn tăng

Không chỉ mừng hụt về thuế tiêu thụ đặc biệt, người tiêu dùng ôtô còn “choàng tỉnh” bởi một động tác điều chỉnh chính sách mới đây.

Cụ thể, ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.

Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên giá bán buôn của các đơn vị nhập khẩu thay vì chỉ tính trên giá CIF cộng với thuế nhập khẩu như trước đây. Với cách tính mới, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên cả những chi phí như vận chuyển hay marketing và một phần lợi nhuận của nhà nhập khẩu…

Đại diện các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng nhận định, với việc điều chỉnh cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, cho dù thuế nhập khẩu giảm thêm và thuế tiệu thụ đặc biệt một số loại xe cũng giảm nhẹ thì giá bán lẻ của nhiều loại ôtô vẫn sẽ tăng thêm 15-30%.

Đó là chưa kể, đối với xe có dung tích lớn từ 3.000 cm3 trở lên, nếu Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới, giá bán lẻ của một số loại xe thậm chí còn tăng chóng mặt hơn.

Theo Vneconomy