Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: “ Cuộc họp tạm dừng do đề xuất của VCCI. Theo đó, trong 2 tuần nữa, các bộ phận kỹ thuật sẽ cùng nhau tính toán lại các phương án có tính khả thi hơn".
Trước đó, quan điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của hai bên khá cách biệt. Ngay trước giờ họp Hội đồng tiền lương Quốc Gia, đại diện VCCI vẫn giữa quan điểm mức tăng 6-7 % lương tối thiểu vùng cho năm 2016.
Với lý do doanh nghiệp phải có khả năng chi trả, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng CPI. Đặc biệt, doanh nghiệp có tồn tại được thì mới lo được cho người lao động.
Ông Hoàng Quang Phòng lý giải: “Qua khảo sát thực tế, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn. Hơn 70% DN kinh doanh không có lãi. Vậy, vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Họ đồng ý về chủ trương tăng lương nhưng cần phải có lộ trình
Trong khi đó, đại diện Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng từ 15-16%, tương đương với số tiền tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/mức.
“Nếu tăng với mức trên, lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ đáp ứng được khoảng 89% đời sống tối thiểu của người lao động. Đến năm 2017, lương tối thiểu vùng tăng thêm 11% còn lại là đáp ứng được, không thể kéo dài hơn nữa” - ông Mai Đức Chính nói.
Mặt khác, đề xuất này cũng phù hợp với quy định của Luật BHXH năm 2014 (Điều 89). Theo đó, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Năm 2015, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 lên trên 14 %.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 áp dụng ở 4 vùng là:
Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng;
Vùng II: 2.750.000 đồng/tháng;
Vùng III: 2.400.000 đồng/tháng;
Vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng.
Mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng/vùng.
Theo Dân trí