Đây là khẳng định của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Phụ trách Chủ tịch Tập đoàn Viettel tại Lễ ra mắt Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.
Theo Chủ tịch Viettel, chậm nhất vào năm 2020, người dân Việt Nam phải được hưởng các dịch vụ hiện đại của chính phủ điện tử như văn phòng không giấy tờ, dịch vụ công một cửa, y tế - bảo hiểm tự động, số định danh công dân,... Các thành phố đều có các hệ thống giao thông, an ninh - trật tự, bán hàng, chăm sóc khách hàng, giáo dục thông minh.
Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhờ CNTT và phân tích dữ liệu. Mọi tổ chức được kết nối chặt chẽ và chia sẻ thông tin một cách tiện lợi nhất.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho rằng, việc thành lập Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel không chỉ phục vụ mục đích kinh doanh mà còn mang sứ mệnh đồng hành cùng Chính phủ xây dựng “Chính phủ số”, cùng các doanh nghiệp và người dân để giải quyết các vấn đề của xã hội”.
Thiếu tá Phùng Văn Cường - Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel khẳng định: Viettel sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất.
Ông Cường cũng khẳng định sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp cơ hội và thách thức của CMCN 4.0; từ đó giúp doanh nghiệp có lộ trình từng bước chuyển đổi sang doanh nghiệp 4.0 – doanh nghiệp kiểu mới tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy kinh doanh; góp phần phát triển nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới mới công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động chuyên môn cao.
Nhiều ý kiến cho rằng hai năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Hàng trăm cuộc hội thảo được tổ chức để bàn giải pháp tiếp cận, nắm bắt thành công xu thế của cuộc cách mạng này.