Với việc thực hiện niêm yết, Viettel Global trở thành một trong những công ty có quy mô vốn hàng đầu trên sàn Upcom, bên cạnh các tổng công ty có vốn nhà nước khác như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã CK: ACV), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Mã CK: VEA), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Mã CK: HVN).
Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu VGI đã nhanh chóng được đẩy lên mức trần (biên độ ngày giao dịch đầu tiên là 40%), đạt mức 21.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch tới hết phiên sáng 25/9 là 1,73 triệu cổ phiếu, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia tích cực với động thái mua ròng hơn 126 nghìn cổ phiếu.
Được thành lập vào tháng 10/2007 bởi Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Viettel Global có mục tiêu kinh doanh chính là đầu tư vào các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, vốn điều lệ của Viettel Global gia tăng nhanh chóng từ 960 tỷ đồng lên mức 22,44 nghìn tỷ đồng.
Quá trình hơn 10 năm mở rộng đầu tư ra nước ngoài, Viettel Global đã thành lập được 9 công ty con, quy mô thị trường đạt 210 triệu dân. Trong đó, 7/9 thị trường kinh doanh có lãi, 2 thị trường mới là Tanzaina và Myanmar đang trong thời kỳ đầu tư.
Tính đến hết năm 2017, Viettel Global đang thực hiện phục vụ 40 triệu khách hàng quốc tế sử dụng dịch vụ di động, internet băng rộng, điện thoại cố định và không dây, giữ vững vị trị số 1 về thị phần tại 5/9 quốc gia là: Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi.
Việc hoạt động đầu tư, kinh doanh ở thị trường nước ngoài cũng khiến Viettel Global gặp phải một số thách thức, nhất là vấn đề tỷ giá.
Trong hai năm 2016 và 2017, Viettel Global ghi nhận kết quả doanh thu thuần tích cực lần lượt là 15.335 tỷ đồng và 19.023 tỷ đồng.
Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá không thuận lợi khiến Viettel Global phải trích lập các khoản chi phí phát sinh tới hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, chi phí biến động tỷ giá được Viettel Global ghi nhận năm 2016 là 3.011 tỷ đồng và năm 2017 là 2.733 tỷ đồng.
Các khoản chi phí này là nguyên nhân chính khiến Viettel Global phải ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ, có năm lên tới hàng trăm tỷ đồng (2016).
Bước sang Quý 1/2018, diễn biến tỷ giá tích cực hơn tác động đáng kể đến hiệu quả kinh doanh của Viettel Global. Tạo điều kiện giúp doanh nghiệp này phân bổ hết các khoản lỗ tỷ giá vẫn còn treo trên bảng cân đối kế toán trong giai đoạn trước.
Tính tới ngày 30/6/2018, Viettel vẫn giữ vị thế chi phối tại Viettel Global với tỷ lệ sở hữu lên tới 98,68% vốn điều lệ./.