Sáng 29/6, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị số 1 gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Thay mặt đoàn, đại biểu Trần Du Lịch đã báo cáo đến cử tri nội dung: Kỳ họp đã xem xét, thông qua nhiều đạo luật quan trọng. Các vấn đề về án tử hình, đặt tên con không quá dài, luật tố tụng hành chính, luật Bảo hiểm xã hội… đã được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng.
Quốc hội cũng xem xét tình hình kinh tế xã hội, lưu ý những điểm còn chậm như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chi thường xuyên quá lớn. Tình trạng quyết toán ngân sách, chi sai rất lớn ở nhiều nơi, kỷ cương ngân sách còn rất yếu kém. Tuy nhiên, mức bội chi vẫn trong mức Quốc hội cho phép.
Kỳ họp này, Quốc hội cũng quyết chủ trương quan trọng là đầu tư sân bay quốc tế Long Thành, để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai.
Vấn đề nhân sự, Quốc hội bãi nhiệm bà Châu Thị Thu Nga; Phê chuẩn danh sách 15 vị thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (khác trước đây là tự bổ nhiệm).
Quốc hội cũng dành thời gian chất vấn, thảo luận. Đã chất vấn 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng. Các Bộ trưởng hứa những gì thì cuối năm nay Quốc hội sẽ kiểm tra lại.
“Nhìn chung, kỳ họp thứ 9 đã có nhiều nỗ lực, thay đổi cách làm, tận dụng thời gian để thảo luận các vấn đề lớn của đất nước. Quốc hội hoàn thành tốt các vấn đề của kỳ họp”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Hãy đến quán cà phê, ra chợ để hiểu dân
Trong phần phát biểu ý kiến, cử tri quận 1 đã phản ánh rất nhiều những vấn đề về kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng như bức xúc chuyện tăng giá điện, xăng, ô nhiễm môi trường và an ninh biển Đông… Về dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, có ý kiến đồng ý, có phản bác. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng, nếu Quốc hội đã phê chuẩn thông qua thì nên có cơ chế giám sát để dự án đúng tiến độ, tránh lãng phí.
Góp ý về Quốc hội, cử tri Nguyễn Hữu Vạn mong mỏi các vị ĐBQH hãy đóng vai thường dân đến các quán cà phê, chợ để nghe dân và hiểu đời sống người dân. Ông Vạn cho rằng khoảng cách giữa ĐBQH và người dân quá xa nhau.
“Tôi gặp ông Trần Du Lịch đưa đơn thì ông nói đem đến Văn phòng Đoàn ĐBQH ở số 2Bis Lê Duẩn. Tôi đến thì không nhận trực tiếp mà bảo về gửi qua bưu điện. Tôi gửi 3 lần, 6 tháng nhưng không thấy hồi âm. Những buổi tiếp xúc cử tri này thì những ý kiến có sự sắp xếp. Làm như thế thì xa dân chứ còn gì nữa?”, ông Vạn nói.
Cử tri Tạ Quang Hưng cũng đồng tình với ý kiến của cử tri Vạn. “Quan hệ giữa Quốc hội với cử tri , nói thật, tôi buồn lắm. Bản thân chúng tôi bỏ phiếu vì những lời hứa của các vị nhưng nhiều vấn đề tồn tại bao lâu nay vẫn vậy”, ông Hưng nói.
Không sợ địch lại sợ ta!
Lắng nghe các ý kiến của bà con cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giải đáp từng câu hỏi. Về những vấn đề giá xăng, điện tăng, bảo hiểm y tế, cải cách giáo dục; ô nhiễm, mất vệ sinh trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè… Chủ tịch nước giao cho Bộ, ngành; UBND TPHCM xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Trước các băn khoăn của cử tri về việc tàu thuyền của ngư dân nước ta đánh bắt cá ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa bị Trung Quốc tấn công, cả trở, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Không có trường hợp nào để ngư dân tự bơi”. Tàu bè bị thiệt hại đều được giúp đỡ, hỗ trợ. Việt Nam đã phản đối, đàm phán và luôn cảnh giác, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.
Với dự án sân bay quốc tế Long Thành, có ý kiến cho rằng nên tập trung xây dựng sân bay quân sự Biên Hòa để bảo đảm quốc phòng an ninh hơn là xây sân bay Long Thành. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, tất cả các sân bay của Việt Nam đều lưỡng dụng. Khi có chiến tranh thì là sân bay quân sự, thời bình là sân bay dân sự. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay có 2 đường băng nhưng không thể cất hạ cùng một lúc. Đã bàn nhiều lần nhưng không thể mở rộng được sân bay Tân Sơn Nhât nên mới làm sân bay Long Thành.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành nhiều thời gian nói về việc ĐBQH có khoảng cách với cử tri. Chủ tịch nước khẳng định: “Mình cũng là dân chứ có gì đâu. Bỏ áo mũ cân đai thì là dân thôi mà. Có gì đâu xa cách”.
Theo Chủ tịch nước, mỗi khi tiếp xúc cử tri, đa phần là các Bí thư chi bộ, trưởng khu phố, không thể 100% là người dân. Thế nhưng, Chủ tịch nước thắc mắc tại sao những người đại diện tổ dân phố, chi bộ của mình lại không đại diện các vấn đề của người dân, không mạnh dạn nói tất cả những bức xúc mà đa phần người dân đang muốn Đảng, Chính phủ có giải pháp. Vì thế, để xóa bỏ khoảng cách giữa ĐBQH – cử tri, Chủ tịch nước khuyên bà con nên mạnh dạn nói ra những điều mà người dân cần nói. “Địch ta không sợ mà ta với ta lại sợ. Vô lý. Hay chăng giữa hai anh có lợi ích nháy nháy...Hay sợ trù úm. Đừng có sự rào đón, ngăn cách giữa các đồng chí và chúng tôi”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Về ý kiến của một cử tri cho rằng những cán bộ tham ô là do học hành ít, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng không phải vậy. “Tôi đi nhiều nơi, những vùng sâu, vùng xa thì các cán bộ cũng có trình độ đại học và trên đại học. Chuyện tham ô không phải do học vấn thấp. Vấn đề là do đạo đức, lối sống hư hỏng, suy thoái. Chỉ trừ khi đấu tranh làm các vị hết suy thoái và bản thân các vị rèn luyện không tham ô thì mới xóa bỏ được cái cố tật này”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Theo Dân trí