Trong thời gian tiếp xúc, cử tri Trần Đăng Trâm (quận 1) đặt câu hỏi với Chủ tịch nước, "Ông Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Nhiều cơ quan cùng quản lý, giám sát, sau này có thêm các cơ quan điều tra, kiểm tra… vậy mà ông Thanh bỏ trốn lúc nào cũng không biết. Ông ấy trốn rồi, làm sao xử lý sai phạm? Khoản tiền thua lỗ liệu có thu hồi được?".
Trả lời chất vấn của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, tội phạm tham nhũng dù có trốn đi đâu cũng sẽ bị đưa ra trước pháp luật. Chủ tịch dẫn chứng, có những người từng trốn ở nước ngoài 5-7 năm cuối cùng vẫn không thoát.
"Các cơ quan đã vào cuộc một cách tích cực, dù lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, có những người trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng rồi vẫn không thể thoát", Chủ tịch nước nói.
Theo cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1), thì "vụ xô xát giữa Công an huyện Đông Anh và nhà báo gây dư luận rất nhiều. Bản thân tôi thấy công an có cái không kiềm chế, nhà báo cũng có cái chưa đúng. Nhưng cách giải quyết của cơ quan công quyền đến thời điểm này là chưa ổn".
Từ đây, cử tri Hoàng Thị Lợi yêu cầu hoạt động của công an phải được rà soát, sao cho chuyên nghiệp từ công tác điều tra đến bảo vệ hiện trường. Cử tri Hoàng Thị Lợi nêu dẫn chứng, nước ngoài có quy định rõ ràng về việc bảo vệ hiện trường, và có nhiều cách để hành xử, thậm chí có thể mời những người không phận sự về đồn cảnh sát để xử lý.
Nhưng "hành xử 'vung chân, vung tay, vuốt má' thì nó phản cảm quá, không đẹp chút nào" - cử tri Lợi nói và đề nghị điều tra kỹ, công an sai chỗ nào, phóng viên chưa đúng chỗ nào để có cách giải quyết xử lý phù hợp. Việc điều tra này không chỉ giúp cơ quan công an giữ vững hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân, mà còn giúp ngăn chặn những ý kiến không đúng về hoạt động của cơ quan Công an.