|
Ảnh minh họa |
Theo ông Ruệ, việc tăng thuế nội địa là cần thiết để đảm bảo nguồn thu ngân sách, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu đang giảm dần về 0%
Cụ thể, Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị ngay trong năm 2018 cần có lộ trình điều chỉnh tăng một số loại thuế. Đơn cử như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thuế tiêu thụ nội địa và tiến tới tăng thuế VAT.
“Cần đảm bảo mức bình quân các loại thuế chiếm 50% giá xăng dầu. Thuế nhập khẩu giảm xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. Đây là trách nhiệm của người dân với đất nước. Giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán không thay đổi” - ông Ruệ nói.
Cũng tại diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương - PV) cho rằng trong tình thế hiện nay, nếu muốn bù đắp nguồn thu khi thuế nhập khẩu về 0% thì "con đường tăng thuế nội địa trước mắt sẽ phải tính đến". Song về lâu dài và căn cơ, vị này cho rằng chính sách cần hướng tới việc giảm thuế để giảm chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp. Khi tạo ra lợi nhuận nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào ngân sách lớn hơn.
Góp ý kiến ở khía cạnh chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) lại không đồng tình việc tận thu thuế ngay từ đầu vào sản phẩm. Theo ông, nếu ngay từ đầu vào (vòng 1) đã "chặn" bằng các chính sách thuế cao thì ngay lập tức thị trường, người dân sẽ bị phản ứng.
Ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết hiện nay mặt hàng xăng dầu đang được cơ cấu lại mức thuế cho phù hợp với lộ trình giảm thuế. Trong đó, có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được đề xuất tăng lên khung tối đa là 8.000 đồng/lít.
Song ông Quyền trấn an: không phải giá xăng sẽ được điều chỉnh tăng lên thêm 8.000 đồng mà đây là khung thuế. Theo đó, việc điều chỉnh cụ thể, với mức độ bao nhiêu và thời gian thế nào sẽ được Quốc hội và Chính phủ tính toán kỹ lưỡng, để điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở sức chịu đựng của nền kinh tế, đảm bảo lợi ích các bên.