Theo ông Chung, Hà Nội đang rất quyết tâm trong việc sử dụng buýt nhanh để giảm ùn tắc giao thông. Buýt nhanh sẽ thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân.
Trước đó, vào đầu giờ sáng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, phát lệnh mở tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa. Đây là dự án đầu tiên triển khai tại Hà Nội nên gặp rất nhiều khó khăn từ khâu thi công đến vận hành. Tại buổi lễ ông Hùng yêu cầu thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông bố trí lực lượng trên tuyến, đặc biệt tại các nút giao, hướng dẫn người dân đi lại đảm bảo an toàn.
Theo phê duyệt, Hợp phần buýt nhanh (Yên Nghĩa – Kim Mã) có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Tổng dự toán cập nhật đến hiện tại hơn 41 triệu USD. Việc triển khai hợp phần buýt BRT được thực hiện đúng các thủ tục đấu thầu quốc tế và có sự phối hợp của Ngân hàng thế giới.
Theo ghi nhận của VietTimes, ngày khai trương đầu tiên tuyến đường Kim Mã - Yên Nghĩa, đường khá thông thoáng. Bên cạnh đó, trên dọc tuyến đường đều có lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông ứng trực, phân làn, điều khiển. Dù vậy lực lượng chức năng cũng chưa thể phân làn ưu tiên tuyệt đối theo yêu cầu kỹ thuật cho buýt nhanh (BRT) chạy được, các phương tiện giao thông vẫn lấn làn, chạy cắt mặt buýt nhanh.
Một Thanh tra viên Sở GTVT Hà Nội đang làm nhiệm vụ phân làn đường tại nút Láng Hạ cho biết, 100% Đội của anh được điều động phân làn đường, điều khiển giao thông cho xe buýt.
Thời gian thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo theo giờ xe buýt nhanh chạy, nên phải chia ca. Riêng cá nhân Thanh tra viên giao thông này đã phải dậy từ rất sớm để có mặt tại nút giao thông từ 6h sáng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn không được cấp kinh phí thực hiện", Thanh tra viên này nói.
Theo anh, kế hoạch dài hạn về việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phân làn, điều khiển giao thông cho buýt nhanh chưa được chốt cụ thể và chỉ biết lực lượng Thanh tra Giao thông sẽ phải tập trung thực hiện nhiệm vụ này đến sau Tết âm lịch.