|
Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Tập đoàn Evergrande Trung Quốc, bị phạt 47 triệu NDT và cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời (Ảnh: Thepaper). |
"Thủ đoạn đặc biệt xấu xa"
Ngày 18/3, gần nửa năm ngày sau khi Chủ tịch Tập đoàn Evergrande Hứa Gia Ấn bị bắt, Công ty Bất động sản Evergrande (Evergrande Real Estate) cho biết đã nhận được thông báo về hình phạt hành chính và lệnh cấm thị trường của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc.
Thông báo thể hiện báo cáo thường niên các năm 2019 và 2020 do Evergrande Real Estate công bố đã làm giả, sai thực tế, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng bị nghi ngờ là gian lận và không công bố thông tin liên quan kịp thời theo yêu cầu. Ông Hứa Gia Ấn, chủ tịch công ty, đã ra quyết định và tổ chức thực hiện hành vi gian lận tài chính.
Hạ Hải Quân, khi đó là Phó chủ tịch kiêm TGĐ, đã tổ chức và dàn xếp việc lập báo cáo tài chính sai lệch. Cả hai người đều có "thủ đoạn đặc biệt xấu xa và tình tiết đặc biệt nghiêm trọng" lần lượt bị phạt 47 triệu NDT và 15 triệu NDT, đồng thời bị cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời. Công ty Evergrande Real Estate bị phạt 4,175 tỷ NDT.
Thông tin công khai cho thấy khoản tiền phạt Evergrande Real Estate chỉ đứng sau mức phạt xấp xỉ 5,67 tỷ NDT của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đối với Tập đoàn Beibadao vào tháng 4/2018.
Ngoài các khoản xử phạt hành chính trên, hành vi của Hứa Gia Ấn và những người khác cũng có thể cấu thành phạm tội lừa đảo, gian lận phát hành chứng khoán và tội tiết lộ bất hợp pháp hoặc không tiết lộ thông tin quan trọng theo luật hình sự. Chủ tịch Tập đoàn Evergrande có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vụ gian lận tài chính lớn nhất thế giới
Thông báo cho thấy Evergrande Real Estate đã gian lận tài chính bằng cách xác nhận trước doanh thu, khiến doanh thu năm 2019 tăng thêm gần 214 tỷ NDT, chiếm 50,14% doanh thu cả năm; số chi phí bịa thêm là 173,267 tỷ NDT; lợi nhuận bịa thêm 40,722 tỷ NDT, chiếm 63,31% tổng lợi nhuận năm đó.
Năm 2020, doanh thu bịa thêm 350 tỷ NDT, chiếm 78,54% doanh thu năm đó, bịa thêm chi phí hơn 298 tỷ NDT và bịa lợi nhuận 51 tỷ NDT, chiếm 86,88% tổng lợi nhuận năm đó.
Truyền thông Trung Quốc nói số tiền khổng lồ này đã khiến Evergrande Real Estate trở thành công ty gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Evergrande Real Estate cũng bị nghi ngờ lừa đảo trong phát hành trái phiếu. Trong 2 năm 2020 và 2021, công ty đã phát hành tổng cộng 20,8 tỷ NDT trái phiếu doanh nghiệp. Các tài liệu phát hành được công bố trong quá trình phát hành trái phiếu đều trích dẫn dữ liệu liên quan từ báo cáo thường niên năm 2019 và 2020 với hồ sơ sai lệch, bị nghi ngờ có hành vi gian lận phát hành.
Ngoài ra, thông báo còn đề cập việc Evergrande Real Estate không công bố báo cáo thường niên 2021, báo cáo giữa năm 2022 và báo cáo thường niên 2022 như dự kiến. Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/8/2023, Evergrande Real Estate chưa công bố báo cáo thường niên 2021, 2022, báo cáo tạm thời và báo cáo thường niên năm 2022 theo quy định liên quan 1.533 vụ kiện tụng trọng tài lớn... Kể ngày 1/1/2021, tổng cộng 2.983 khoản nợ đáo hạn liên quan số tiền 278,531 tỷ NDT không được trả đúng hạn theo yêu cầu.
Có ảnh hưởng đến việc trả tiền cho các chủ nợ?
Liệu Evergrande Real Estate có đủ khả năng nộp số tiền phạt lên tới 4 tỷ 175 triệu NDT này không? Nó có ảnh hưởng đến việc trả nợ cho các chủ nợ không?
Theo luật pháp Trung Quốc và thực tiễn tư pháp, yêu cầu bồi thường cá nhân được ưu tiên hơn yêu cầu nộp phạt. Về mặt pháp lý, các khoản tiền phạt do Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc áp dụng đối với Evergrande Real Estate và Hứa Gia Ấn sẽ không ảnh hưởng đến việc trả nợ của các chủ nợ thông thường.
Tuy nhiên, từ góc độ thực tế, tình hình tài chính hiện tại của Evergrande khiến việc trả nợ cho các chủ nợ thông thường trở nên rất khó khăn. Nếu có tài sản cưỡng chế, luật pháp sẽ ưu tiên trả nợ cho chủ nợ bình thường.
Theo truyền thông chính thống Trung Quốc, hành vi gian lận của Evergrande Real Estate lẽ ra được ngăn chặn vì ngay từ tháng 6/2012, cơ quan nghiên cứu Citron Research của Mỹ đã công bố một báo cáo dài 57 trang liệt kê 4 tội và 7 nguy cơ của Evergrande Real Estate; cáo buộc công ty này đã thổi phồng tài sản và giảm nợ theo 6 cách. Citron đã điều chỉnh báo cáo tài chính của Evergrande Real Estate vào thời điểm đó và đánh giá rằng chương mục tài khoản của Evergrande phải giảm đi tới 71 tỷ NDT, và giá trị vốn chủ sở hữu phải là âm 36 tỷ NDT.
Ngày 11/10/2011 Bộ Tài chính Trung Quốc đã kiểm toán báo cáo thường niên năm 2009 của Evergrande và phát hiện Evergrande đã đưa vào 57 công ty con, cung cấp thông tin tài sản không chính xác, đánh giá quá cao giá thành và trì hoãn nộp thuế thu nhập, do đó yêu cầu Evergrande phải nộp lại báo cáo hợp nhất chính xác hoặc bị bị phạt tiền.
Tuy nhiên, kế toán độc lập của Evergrande đã đưa ra báo cáo kiểm toán sai sự thật về tình hình tài chính của tập đoàn, khiến gian lận tài chính trở nên nghiêm trọng hơn.
Từ năm 1996 đến năm 2021, Evergrande phát triển với tốc độ chóng mặt, đi lên mạnh mẽ trên thị trường bất động sản. Từ năm 2021 đến năm 2022, công ty để lại đống bề bộn với khoản lỗ ròng hơn 800 tỷ NDT. Bước sang năm 2023, từ tổng số nợ hơn 2,4 nghìn tỷ NDT của tập đoàn đến việc chủ tịch tập đoàn Hứa Gia Ấn bị bắt, Evergrande đã xuất hiện trong danh sách tìm kiếm nóng.
Sự sụp đổ của Evergrande giống như một hòn đá ném xuống nước, làm bắn tung tóe và ảnh hưởng đến toàn bộ ngành bất động sản. Hiện tại, ngoài việc ngập trong những khoản nợ khổng lồ, Tập đoàn Evergrande vẫn đang bị đình chỉ hoạt động do lệnh thanh lý, các công ty trực thuộc Evergrande và Hứa Gia Ấn cũng vướng vào nhiều vụ tranh chấp tư pháp khác nhau.
Theo thông tin từ Mạng thông tin thi hành án Trung Quốc, ngày 18/3, Tòa án nhân dân thành phố Hàm Ninh đã ban hành lệnh hạn chế tiêu dùng đối với Tập đoàn Evergrande. Lệnh hạn chế tiêu dùng cho thấy do không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại văn bản pháp luật có hiệu lực trong thời hạn quy định tại thông báo thi hành nên áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với Tập đoàn Evergrande, hạn chế tập đoàn và người đại diện theo pháp luật Hứa Gia Ấn thực hiện các hành vi tiêu dùng cao và tiêu dùng không cần thiết cho cuộc sống và công việc được liệt kê.
Theo thống kê, Evergrande Real Estate có hàng trăm thông tin về người bị thi hành án, với tổng số tiền thi hành án lên tới mấy chục tỷ NDT; ngoài ra Tập đoàn Evergrande Trung Quốc cũng có hàng trăm thông tin về người bị thi hành, với tổng số tiền thi hành án hơn chục tỷ NDT.
Theo thông tin công khai, các công ty của Evergrande hiện đã vỡ nợ, đồng thời còn chịu nhiều tranh chấp pháp lý khác nhau, điều này cũng khiến việc thi hành mức phạt lần này trở nên khó khăn hơn. Lần xử phạt hành chính này được phối hợp tiến hành với việc quản lý rủi ro nợ của các công ty thuộc Evergrande và việc điều tra trách nhiệm hình sự của các nhân sự có liên quan cũng như cách phối hợp với thủ tục thanh lý của các công ty Evergrande ở nước ngoài; đây đều là những vấn đề cần được quan tâm.
Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Evergrande (Evergrande Real Estate) có trụ sở chính tại Thâm Quyến, được thành lập năm 1997 tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, là công ty con của Tập đoàn China Evergrande Enterprise, với tổng tài sản vào năm 2022 là 1,84 nghìn tỷ NDT.
Tập đoàn Evergrande là tập đoàn doanh nghiệp “Fortune 500” kinh doanh đa ngành bất động sản, tài chính, y tế, du lịch và thể thao, có tổng tài sản hàng nghìn tỷ nhân dân tệ, doanh thu hàng năm trên 400 tỷ NDT, hơn 80.000 nhân viên và cung cấp việc làm cho hơn 1,3 triệu người. Tập đoàn có hơn 500 dự án bất động sản tại hơn 180 thành phố trên cả nước và trở thành công ty bất động sản lớn nhất thế giới.
Ngày 16/8 /2023, Evergrande Real Estate đã bị Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc lập hồ sơ điều tra vì nghi ngờ vi phạm luật và quy định về công bố thông tin; sau đó Hứa Gia Ấn bị bắt giữ để điều tra vào tháng 9/2023.
(Theo The Paper)