Được ví như “Bao Công”
Tối 15/3 vừa qua, chương trình truyền hình “3.15 vãn hội” (còn gọi là Dạ hội 15 tháng 3) tiếp tục được phát trên kênh CCTV-2. Quen với việc chờ đợi suốt một năm xem chương trình này, hàng triệu người dân Trung Quốc luôn háo hức xem nhà đài năm nay sẽ “bóc phốt” sản phẩm dởm hoặc chiêu trò lừa đảo của doanh nghiệp nào.
“Dạ hội 15 tháng 3” năm nay tập trung vào chủ đề: “Xây dựng chữ Tín, chia sẻ an toàn” nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, thúc đẩy nâng cao chất lượng hàng hóa...
Chương trình đã vạch trần các trò lừa gạt khách hàng như: kính chống cháy không chống cháy do một công ty ở Thiên Tân sản xuất; bình chữa cháy không thể dập lửa; “thịt dởm” trong món khâu nhục; rượu Tinghua thần kỳ của Qinghai Spring; lừa đảo qua thay đổi khuôn mặt bằng AI; thủ đoạn thẻ quà tặng của app tài chính Tongcheng.
Ngoài ra, nhà đài có bóc mẽ chiêu trò và âm mưu của các nền tảng hẹn hò nổi tiếng; trục truyền động gây bất an của xe BMW...
Được coi là chương trình độc đáo hàng đầu truyền hình Trung Quốc, trước ngày 15/3 hàng năm, người dân lại tranh luận sôi nổi và chờ đợi xem công ty, thương hiệu nào bị réo tên. Cũng có những người thất vọng khi doanh nghiệp họ cho là có vấn đề chưa bị bêu xấu. Nhưng sau đó, người dân lại mong đợi chương trình “Dạ hội 15/3” tiếp theo.
Tâm lý này xuất hiện từ việc thị trường tiêu dùng Trung Quốc quá lớn, còn người tiêu dùng đối diện quá nhiều trò lừa gạt và có quá ít kênh để bảo vệ quyền lợi.
“Dạ hội 15/3” là chương trình quốc gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên rất được quan tâm. Doanh nghiệp sau khi bị nêu tên sẽ nhanh chóng bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nên người dân cảm thấy rất vui mừng. Vì vậy, trong 33 năm qua, chương trình truyền hình này được người tiêu dùng coi như “Bao Công” mang lại sự công bằng.
“Dạ hội 15/3” ra đời như thế nào?
Chương trình “Dạ hội 15/3” ra đời liên quan việc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc tìm cách bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Đầu năm 1987, Ủy ban người tiêu dùng tỉnh Phúc Kiến nhận được tố cáo về việc su hào muối chua không hợp vệ sinh ở làng Chương Lam. Đến kiểm tra, Hiệp hội người tiêu dùng tỉnh Phúc Kiến thấy những người nông dân đang ngâm, chế biến su hào trong chiếc bể tự hoại mà công xã vốn dùng để thu gom phân bón. Trong đó vẫn còn lẫn phân và giấy vệ sinh.
Vụ việc này đã gây chấn động cả nước trong suốt thời gian dài.
Một số đại biểu HĐND tỉnh Phúc Kiến cho rằng cần áp dụng các biện pháp tư pháp đối với vụ việc xấu xa này. Tuy nhiên, do không có cơ sở pháp lý liên quan nên người vi phạm chỉ bị phạt 2.000 NDT, còn người tiêu dùng không thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường.
Trước bối cảnh đó, Ủy ban người tiêu dùng Phúc Kiến được HĐND tỉnh giao nhiệm vụ soạn thảo quy định bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Sau khi được thông qua, quy định này có hiệu lực từ tháng 12/1987. Phúc Kiến là địa phương đầu tiên ở Trung Quốc có quy định bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng.
Nhận được sự ủng hộ từ người dân, 28 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương ở Trung Quốc đã nối nhau xây dựng các quy định tương tự. Nhà nước cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo vệ người tiêu dùng. Năm 1993, Luật bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng được ban hành.
Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, Trung Quốc mở cửa, nền kinh tế phát triển nhanh chóng kéo theo sự đa dạng về sản phẩm và nhu cầu tiêu dùng. Thời điểm này, các luật chưa hoàn thiện, tạo cơ hội cho những chủ doanh nghiệp vô lương tâm tung ra nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng; các sự cố quảng cáo tiếp thị sai sự thật nhiều như nấm sau mưa.
Ngày 15/3/1991, CCTV, Báo Người tiêu dùng, Thời báo Doanh nghiệp và Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc phối hợp tổ chức “Dạ hội chuyên đề bạn của người tiêu dùng” nhân Ngày Quốc tế về quyền của người tiêu dùng. Từ đó, “Dạ hội 15 tháng 3” của CCTV ra đời và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm.
Từ năm 1992, các cơ quan của chính phủ và Bộ giám sát quốc gia đã đồng hành. Hiện nay, cứ đến ngày 15/3 hàng năm, cả nước lại chờ đợi chương trình của CCTV như một hoạt động thực thi công lý.
Chương trình khiến CEO Apple phải xin lỗi
Sau 33 làn tổ chức, chương trình này đã thông tin về nhiều vụ việc tiêu cực, giúp người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại, hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tich cực chống hàng giả.
Năm 1998, “Dạ hội 15/3” đã vạch trần hoạt động bán hàng đa cấp, khiến người dân nhận thức đầy đủ về bản chất của nó và góp phần khiến loại hình này bị chính phủ Trung Quốc cấm vào ngày 21/4/1998.
Năm 1999, chương trình góp phần thúc đẩy để các chai bia dị dạng và bình đun nước nóng trực tiếp bằng gas biến khỏi thị trường.
Năm 2013, “Dạ hội 15/3” đưa tin dịch vụ hậu mãi dành cho điện thoại di động của Apple có sự khác biệt bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Thông tin này làm dấy lên sự phẫn nộ của đông đảo fan Apple tại Trung Quốc. Tháng 4/2013, trang web chính thức của Apple Trung Quốc đã phải đăng thư xin lỗi gửi người tiêu dùng Trung Quốc do Giám đốc điều hành Apple Tim Cook ký.
Năm 2016, “Dạ hội 15/3” liên tiếp đưa về hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh trong đặt hàng thực phẩm online, mua bán ô tô cũ qua mạng, ứng dụng điện thoại di động, răng giả tùy chỉnh và đánh giá tín dụng trực tuyến, đồng thời nhắc nhở người tiêu dùng đừng để bị lừa bởi quà tặng miễn phí mà mất cảnh giác, dẫn đến thiệt hại tài sản và rò rỉ thông tin cá nhân…
Volkswagen, Taobao, Mercedes-Benz nhiều lần bị réo tên
Theo thống kê của trang "Toàn cảnh Doanh nghiệp", từ năm 2008 đến 2024, đã có khoảng 180 vụ việc bị vạch trần tại chương trình “Dạ hội 15/3” của CCTV, liên quan đến khoảng 501 công ty trong lĩnh vực tài chính, thiết bị điện, thực phẩm, Internet, chăm sóc y tế, du lịch, nhu yếu phẩm hàng ngày, xây dựng và trang trí nội thất...
Trong số các vụ việc bị phơi bày, vấn đề về chất lượng sản phẩm và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chiếm gần 50%. Hàng loạt thương hiệu lớn như Volkswagen, Mercedes-Benz, Ele.me, 360 Search, Taobao, DianPing, Fotile, Midea, Siemens, Apple… đều nhiều lần bị réo tên.
Trong số đó, các bo mạch chủ được sử dụng để tạo ra các trò troll, thay đổi khuôn mặt AI và chiêu trò thẻ quà tặng của app tài chính TongCheng đã cho thấy một số công ty vô đạo đức đã sử dụng Internet để thao túng dữ liệu, thu thập trái phép thông tin và “bắt cóc” điện thoại di động của người dùng. Đặc biệt, những kẻ troll trực tuyến và nền tảng hẹn hò lợi dụng tâm lý lo lắng để định hướng hành vi đặt hàng của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng cực kỳ xấu xa.
Đây không phải là lần đầu tiên hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công nghệ Internet bị vạch trần. “Dạ hội 15/3” năm 2021 đã phản ánh việc các camera của Yaliang Technology lắp đặt tại các cửa hàng Kohler trên toàn quốc nhằm mục đích thu thập thông tin người tiêu dùng và doanh số.
Chương trình năm 2020 cũng vạch trần các phần mềm điện thoại di động đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng; bao gồm hơn 50 app như Gome Easy Card, app Điều khiển từ xa, app Đèn pin mạnh nhất, Điều khiển từ xa toàn diện, app Mua hàng nhanh chóng 91, Tái chế Tiantian, Flash to, Radish Mall và Zijin Puhui…
Điều đáng chú ý là theo thống kê chưa đầy đủ từ Miaojian.com, trong số 328 thương hiệu/đơn vị được công khai nêu tên tại “Dạ hội 15/3”, hơn một nửa hiện đang trong tình trạng hoạt động bình thường, 66 thương hiệu đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ, 43 “không tìm thấy” 16 công ty đã ngừng sản xuất hoặc đóng cửa, 12 công ty đang hoạt động nhưng không bình thường, 7 công ty đã đổi tên và thay đổi kinh doanh, 3 công ty đã bị mua lại.
Thương hiệu rượu đắt nhất Trung Quốc sập tiệm sau một đêm bị "bóc phốt”
Theo The Paper, Sina