Trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày càng diễn biết phức tạp, sáng ngày 6/7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp bàn về vấn đề giải quyết ô nhiễm tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.
Âu thuyền Thọ Quang ô nhiễm nghiêm trọng!
Theo báo cáo của Ban quản lý Âu thuyền Cảng Thọ Quang, nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm tại Âu thuyền Thọ Quang cùng mùi hôi thối trong thời gian qua do tình trạng các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản cũng như đóng tàu xả thải. Tính đến thời điểm hiện tại, tại đây có 23 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản, 11 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền và 8 cống thải ra biển. Cùng với số lượng tàu thuyền cập cảng năm 2015 là hơn 19.000 lượt chiếc với sản lượng hàng hóa là gần 140.000 tấn khiến vấn đề ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng.
Qua thống kê, khảo sát, lượng rác thải phát sinh trong quá trình buôn bán, sinh hoạt của người dân trung bình 75m3/ tháng. Bên cạnh đó là một khối lượng lớn rác thải do các tàu cá vứt trực tiếp xuống mặt nước hàng ngày, chưa được thu gom khiến bùn lưu cữu lâu ngày gây thêm mùi hôi nồng nặc.
Một yếu tố gây nên tình trạng ô nhiễm phát sinh mùi hôi thối chủ yếu từ hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản, tàu cá, các chợ đầu mối đổ trực tiếp xuống Âu thuyền. Trong khi đó 2 trạm xử lý nước thải nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng nước sau khi xử lý khiến tình trạng ô nhiễm khó được kiểm soát.
Liên quan đến tình trạng này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói: "Hôm qua, tôi xuống âu thuyền khảo sát, thấy mùi hôi nồng nặc. Bao bì ni lông, vỏ xốp vứt đầy trên bờ và mặt nước. Tình trạng này kéo dài nhiều năm hết sức mất kiểm soát".
Việc thu gom rác tại khu vực chưa hiệu quả cũng là vấn đề khiến Âu thuyền Thọ Quang thêm ô nhiễm, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo: “Ban Quản lý cảng cá cần xây dựng bảng giá dịch vụ. Toàn bộ mọi hoạt động trên cảng đều phải thu phí. Số tàu vào cảng có thể tính giá theo lượt, giờ đậu để trang trải cho cảng cá. Lực lượng biên phòng và Ban quản lý cảng cá cần lập nội quy cảng cá, yêu cầu chủ tàu chấp hành. Đồng thời gắn camera độ phân giải cao để quan sát người dân, chủ tàu nào xả rác, xả thải sai quy định lập tức xử phạt. Vi phạm nhiều lần thì không cho vào cảng nữa. Chúng ta không làm theo kiểu bao cấp nữa, phải thu phí để xây dựng cảng cá thì mới phát triển văn minh".
Để phát hiện xả lén phải chui ống cống!
Liên quan đến tình trạng nhà máy chế biến thủy sản lén lút cả thải chưa qua xử lý ra môi trường, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP Đà Nẵng thừa nhận tình trạng này vẫn đang diễn ra, và diễn ra rất phức tạp, rất khó xử lý. Mặc dù cơ quan chức năng giám sát 24/24 các cống xả đổ ra biển nhưng một số nhà máy vẫn ngang nhiên đục ống cống, thông ống xả nước thải với ống xả nước mưa để xả lén ra môi trường. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 20 trường hợp xả lén ra môi trường.
“Việc nhận định công ty có xả lén nước thải ra môi trường hay không rất dễ. Chỉ cần nhìn màu nước, hay có lẫn đầu tôm, đầu cá là chứng tỏ nước chưa qua xử lý. Tuy nhiên, đễ phát hiện nhà máy nào xả thải ra thì cán bộ phải chui ống cống tìm vào tận nguồn mới phát hiện được”, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng cho biết.
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng truy vấn: “Mỗi đường ống xả của các nhà máy đều có lắp đặt hố ga bên ngoài để cơ quan chức năng kiểm tra, thì tại sao không đến đó kiểm tra?”.
Ông Mai Mã trả lời: “Bất cứ lúc nào khi chúng tôi chỉ vừa mở nắp hố ga là nhà máy lập tức ngừng xả. Họ có thủ đoạn khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý”.
“Qua sự việc trên, việc thanh tra xử lý rõ ràng chưa đủ “đô”. Con số 20 lần phát hiện sai phạm thực tế phải 70, 80 chục lần. Tôi yêu cầu Sở TNMT phối hợp với Công an, Ban Quản lý cảng cá cần gấp rút tiến hành kiểm tra đường ống xả thải của các nhà máy thủy sản. Nếu phát hiện có đường ống đục đẽo, thông đường ống xả với đường ống nước mưa cần xử phạt thật nặng. Buộc các nhà máy phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải. Đồng thời phải làm hố ga nước thải, nước mưa rộng ra, đặt ngoài nhà máy để tiện giám sát”, ông Thơ đánh giá.
"Câu chuyện âu thuyền Thọ Quang ô nhiễm trầm trọng đã xảy ra nhiều năm. Người dân sống chung với ô nhiễm đến nỗi nhiều người ví đã quen như cá với nước. Cách làm của mình là cong lưng dọn dẹp. Không làm tận gốc rễ vì sợ khó, sợ gặp chống đối. Nếu không thế thì mình phải đi dọn suốt đời. Sau cuộc họp này chúng ta phải làm rốt ráo. Tôi nói lần này là lần cuối. Ba tháng nữa mà tôi xuống lại là không hôi nữa nghe”, ông Huỳnh Đức Thơ ra tối hậu thư.