Ví dụ thực tế này khiến nhiều người có mặt tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu” do Bộ Công thương tổ chức hôm nay (24/12) phải suy nghĩ về thực tế đào tạo nhân sự cho ngành logistics hiện nay.
Dẫn giải thích của Chủ tịch Phòng Thương mại Bỉ - Việt, ông Cường cho biết điều này không phải là yêu cầu của Chính phủ Bỉ mà là do Hiệp hội các Doanh nghiệp logistics quyết định và đề xuất Chính phủ áp dụng.
Theo vị Tham tán Thương mại đã có nhiều năm công tác lại Pháp, Bỉ, EU và hiện đang là Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, nhận định: “Điều này nghe có vẻ tạo thêm khó khăn cho chủ doanh nghiệp, nhưng tôi cho rằng đó là một trong những lý do cốt lõi tại sao ngành logistics Bỉ phát triển cao”.
Hiện nay, một số cơ sở đào tạo tại Việt Nam có đào tạo logistics, như Đại học kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, nhưng đó chỉ là một môn, khác hẳn với chương trình đào tạo cấp cử nhân tại Bỉ.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam ở Vương Quốc Anh
|
Theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình đào tạo về logistics ở Việt Nam hiện nay còn sơ lược. Các trường đại học mặc dù đã xây dựng chương trình đào tạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng thuộc các khoa quản trị kinh doanh, kinh tế vận tải,… nhưng chủ yếu đào tạo kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, vận tải.
Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực hiệu quả cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam, trước hết Chính phủ cần có định hướng rõ ràng hơn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành có liên quan để có thể phân định khả năng và trách nhiệm mỗi bên trong phát triển ngành dịch vụ logistics, trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực logistics.
Lý giải thêm về thực tế năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế, các chuyên gia cho rằng, cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách, mặc dù đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Các DN logistics Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, chỉ đáp ứng được các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các DN FDI.
Về những thách thức đối với ngành dịch vụ logistics Việt nam, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh - khẳng định, các chủ doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải lựa chọn: Tăng trưởng hay bị thôn tính. Khi thị trường được mở rộng, các doanh nghiệp sẽ phải đồng thời đối diện với gia tăng sức ép, cạnh tranh và có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ.
“Tuy nhiên, cơ hội sẽ có nhiều, nhất là đối với người lao động. Người lao động sẽ có thêm cơ hội việc làm, thêm cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; tăng thu nhập và phúc lợi. Đặc biệt, đối với nền kinh tế nước ta, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, cùng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logicstic gia tăng”, ông Cường nói.
Đầu vào là tôm sú, đầu ra thành tôm hùm (!?)
Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - Nhập khẩu, Bộ Công Thương - chỉ ra thực tế hiện nay, với xu hướng bảo hộ mậu dịch và áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ nền sản xuất trong nước, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đã xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới đang có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - Nhập khẩu, Bộ Công Thương.
|
Nguy hiểm là lợi dụng điều này, hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế cao đang có xu hướng tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào các thị trường nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Chính điều này đang tạo ra những khó khăn rất lớn cho cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo bà Hiền, thiệt hại có thể nhìn thấy ngay trước mắt là gần đây, nhiều quốc gia nhập khẩu của Việt Nam đang gia tăng các biện pháp điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp đối với hàng hóa Việt Nam.
Động thái này gây ra những thiệt hại rất lớn cho các nhà sản xuất trong nước, kìm hãm kim ngạch xuất khẩu nói chung và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Lớn hơn cả đó là sự mất uy tín của doanh nghiệp cũng như hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bà Hiền cũng cảnh báo các doanh nghiệp về sự thiếu cẩn thận hoặc thiếu trung thực, nhằm tạo ra sự nhập nhèm để gian lận. Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa cũng chỉ ra thực tế một số doanh nghiệp xuất khẩu đang tạo ra sự nhập nhèm từ nguyên liệu đầu vào và sản phẩm chế biến xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp trong quá trình tự chứng nhận hàng hóa đã xác định mã sản phẩm chế biến xuất khẩu là mã tôm hùm, trong khi mã sản phẩm đầu vào tương đương tôm sú.
Hoặc trường hợp khác, có doanh nghiệp dù nhập khẩu ghi là nguyên liệu, nhưng khi xuất khẩu chính sản phẩm đó lại ghi là thành phẩm sản xuất tại Việt Nam mà không hề có bất kỳ sự gia công, chế tác nào.
“Sản phẩm khăn lụa xuất khẩu mang thương hiệu Việt và ghi rõ sản xuất tại Việt Nam, nhưng thực tế doanh nghiệp đó đã nhập nguyên cả chiếc khăn, chỉ thao tác thêm thêm đường may viền xung quanh. Kiểu làm ăn chộp giật này không bao giờ qua mắt được khách hàng nước ngoài và họ không thể chấp nhận cách kinh doanh mang tính cơ hội chộp giật đó”, bà Hiền bức xúc.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường EU, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) - cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU năm 2019 tăng 13,6 lần. Các quốc gia Đức, Anh, Pháp là những thị trường logistics lớn nhất ở EU, do quy mô nền kinh tế, mật độ dân số, cơ sở hạ tầng và chức năng cửa ngõ. Trong khi đó, Hà Lan và Bỉ là các quốc gia có doanh thu logistics/người cao nhất. Lợi nhuận lớn nhất là từ các cảng biển lớn, vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường logistics. EVFTA đã được ký từ ngày 30/6/2019 và đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. Dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải,… là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định thương mại quốc tế (WTO). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU đầy tiềm năng với 512 triệu dân. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7 - 8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD đến cuối năm 2019. |