Chính sách Ngoại giao của Bắc Kinh bị chỉ trích “thua như thể thao không lưới"

VietTimes -- Trung Quốc thường chiến thắng trong các môn thể thao "có lưới" như bóng bàn, cầu lông, thua về bóng đá, bóng rổ, tương tự như cách lựa chọn con đường ngoại giao của họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Như đã đề cập ở phần trước, Trung Quốc đã thất bại nặng nề từ vụ kiện Biển Đông của Philippines, nhưng cố tình che đậy, vẫn cố tình đòi cái gọi là "lợi ích cốt lõi" ở Biển Đông. Bài viết trên tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ cho rằng, Bắc Kinh sợ sệt con đường pháp lý đầy bất trắc trong khi đó chính sách ngoại giao của nước này bị trong nước chỉ trích.

"Ngoại giao có lưới" và "ngoại giao không có lưới"

Giới thể thao Trung Quốc luôn có một quan điểm là người Trung Quốc giỏi "các môn có lưới", không giỏi "các môn không có lưới".

Trong các môn thể thao không có tiếp xúc về thân thể như bóng bàn và cầu lông, đội Trung Quốc thường là người chiến thắng duy nhất trong Olympic, còn trong các môn thể thao không có lưới như bóng đá và bóng rổ, đội Trung Quốc thường thể hiện rất kém cỏi.

Báo Đa Chiều bình luận rằng, như vậy, về ngoại giao, phải chăng cũng tồn tại sự khác biệt giữa "ngoại giao có lưới" và "ngoại giao không có lưới"? "Ngoại giao có lưới" là chỉ hoạt động song phương hoặc đa phương thông thường chẳng hạn thăm lẫn nhau, ra thông cáo, ký kết thỏa thuận...

Trung Quốc gặp phải vô số chỉ trích do tùy tiện tuyên bố các nước ủng hộ lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông. Ảnh: Gov.cn
Trung Quốc gặp phải vô số chỉ trích do tùy tiện tuyên bố các nước ủng hộ lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông. Ảnh: Gov.cn

Còn "ngoại giao không có lưới" là chỉ các cuộc đàm phán, hoạt động trọng tài mà kết quả không thể hoàn toàn nắm chắc trước, cùng với một số hoạt động chính trị trong nội bộ một số tổ chức quốc tế.

Trên phương diện "ngoại giao có lưới", những năm gần đây, ngoại giao Trung Quốc đã hoạt động rất tích cực, công tác ngoại giao rất thành thục, các loại hội nghị thượng đỉnh và hoạt động cỡ lớn do Trung Quốc tổ chức đều hoàn thành rất theo ý đồ của Bắc Kinh.

Nhưng, vụ kiện trọng tài lần này là một ví dụ điển hình của "ngoại giao không có lưới". Sở dĩ gọi là "không có lưới" là do kết quả ngoại giao không biết được trước khi tham gia, thậm chí khó đoán, là kết quả của sự tương tác và đánh cờ giữa hai bên hoặc nhiều bên, là một quá trình cần tranh thủ và nỗ lực.

Ngoại giao có lưới thường có thể tự lựa chọn thời gian, địa điểm và phạm vi tham gia, thậm chí chọn người. Còn ngoại giao không có lưới thường gặp thách thức, có thể phải từ bỏ sân nhà, đến môi trường không quen thuộc để giao thiệp với người lạ.

Trung Quốc sở dĩ đưa ra quyết định không tham gia vụ kiện một phần rất lớn là do không quen với một loại hình thức "ngoại giao không có lưới" như vậy.

Trung Quốc đã quen với sự bảo hộ của ngoại giao có lưới, thực sự không quen với những thủ tục mà kết quả không thể đoán trước, quá trình không thể nắm bắt.

Trung Quốc thất bại về ngoại giao, chuyển sang ra sức răn đe vũ lực trên Biển Đông. Ảnh: Chinanews
Trung Quốc thất bại về ngoại giao, chuyển sang ra sức răn đe vũ lực trên Biển Đông. Ảnh: Chinanews

Trên thực tế, một nước thể hiện rất xuất sắc trong ngoại giao có lưới thì không có lý do gì lại làm rất kém trong ngoại giao không có lưới. Then chốt của vấn đề này không phải ở khả năng, mà ở quan niệm và tâm thế: thách thức "nước lớn " phải chăng có thể bỏ qua dáng vẻ, thể hiện cởi mở, giống như so tài giữa các vận động viên trong thể thao "không có lưới", tham gia vào một cuộc đọ sức mà kết quả không thể đoán trước.

"Quân xanh" và "quân đỏ"

Trung Quốc thường giới thiệu có "quân xanh", "quân đỏ" xuất hiện trong các cuộc tập trận đối kháng chiến đấu thực tế do họ tổ chức. Mục đích diễn tập quân sự là để ít đổ máu trên chiến trường, để ít phạm sai lầm về ngoại giao, để bảo vệ tốt hơn cái gọi là lợi ích quốc gia. Như vậy, tờ Đa Chiều đặt ra câu hỏi cho Bắc Kinh rằng "phải chăng Trung Quốc cũng cần đến "quân đỏ", "quân xanh" trong chính sách ngoại giao?"

“Có nhiều tư tưởng, quan điểm khác nhau” (trăm nhà đua tiếng, nhiều trào lưu tư tưởng) là một điều kiện cần thiết để xây dựng chính sách ngoại giao có chất lượng cao. Xây dựng chính sách ngoại giao cần có tranh luận, cần có những tiếng nói khác nhau, cần có sự giả định các loại tình huống, thậm chí cần đại diện các loại lợi ích và cơ quan nghiên cứu đại diện cho các quan điểm khác nhau.

Ngoại giao không có tranh luận chất lượng cao thì giống như quân đội thiếu diễn tập, có nền tảng non yếu. Thảo luận chính sách ngoại giao cần khuyến khích các quan điểm khác nhau, thiên chức của học giả chính là nghi vấn, ngàn người thưa dạ không bằng một lời nói thẳng.

Hơn nữa, trong thời đại Internet và truyền thông xã hội, càng đa dạng hóa về quan điểm thì càng có tranh luận, dư luận xã hội tổng thể trái lại sẽ càng cân bằng và sáng suốt, càng có lợi cho sự ổn định.

Trung Quốc tiến hành răn đe vũ lực trên Biển Đông. Ảnh: Chinanews
Trung Quốc tiến hành răn đe vũ lực trên Biển Đông. Ảnh: Chinanews

Điều này còn có một quan hệ biện chứng liên quan đến sự thực và quan điểm. Chúng ta đều biết đến sự khác biệt giữa sự thực và quan điểm. Nhưng, trong đời sống hiện thực, Trung Quốc thường làm xáo trộn sự khác biệt đó hoặc lấy quan điểm thay thế cho sự thực hoặc vì quan điểm mà lựa chọn sự thực.

Đối với ngoại giao và quan hệ quốc tế, mọi người có thể có các quan điểm khác nhau, nhưng quan điểm cần dựa trên nhận thức, đánh giá và phán đoán đúng đắn về sự thực, chứ không phải là có quan điểm trước.

Quan hệ quốc tế không phải là kiến thức dông dài, mà là lý luận và thực tiễn về nhận thức và phán đoán những sự thực cơ bản của các vấn đề quốc tế.

Vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực này của Trung Quốc là do Trung Quốc quá mê muội với quan điểm, theo đuổi và tín ngưỡng đối với quan điểm làm cho mọi người đã quên đi việc tìm kiếm và phân tích đối với sự thực và chân tướng.

Trong thời đại mà ai cũng là nhà chiến lược, mở miệng là chiến lược lớn, lịch sử lớn và cục diện lớn, bổn phận của học giả quan hệ quốc tế là giúp đất nước và người dân hiểu được sự thực của các vấn đề quốc tế, chứ không phải đơn giản cung cấp quan điểm hoặc căn cứ vào quan điểm cụ thể để tìm kiếm căn cứ sự thật tương ứng.

Học giả quan hệ quốc tế cần đối mặt với sự thật, nghe thật nói thật. Nếu coi thường sự thực và đổi trắng thay đen trở nên phổ biến thì sẽ là điềm xấu của quốc gia - đó chính là thứ Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt.

Trung Quốc tiến hành tập trận bất hợp pháp ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: BBC Anh.
Trung Quốc tiến hành tập trận bất hợp pháp ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: BBC Anh.