Chính sách của ông Biden có thể tác động gì đến công nghệ châu Á?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dưới thời Joe Biden, ngành công nghệ toàn cầu nói chung có thể thở phào nhẹ nhõm. Ông Biden được kỳ vọng sẽ xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc và mang sự ổn định cần thiết quay trở lại.

Chính sách của Biden có thể tác động gì đến công nghệ châu Á?
Chính sách của Biden có thể tác động gì đến công nghệ châu Á?

Với việc đánh bại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong cuộc bầu cử ngày 3/11, ông Joe Biden dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Sau 4 năm đầy biến động dưới thời Tổng thống Trump, ngành công nghệ châu Á sẽ thay đổi thế nào khi ông Biden tiếp nối?

Phân cực Mỹ - Trung giảm dần?

Một trong những hi vọng lớn nhất của giới công nghệ dưới thời Biden là ông có thể đảo ngược – hoặc ít nhất là làm chậm lại – quá trình phân cực chuỗi cung ứng Mỹ - Trung.

Từ khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại năm 2019, các nhà cung ứng Mỹ đã mất hàng tỷ USD doanh thu. Năm nay, chính quyền Trump siết chặt hơn nữa các công ty Trung Quốc, bao gồm TikTok, đe dọa tổn thất lớn hơn cho công nghệ Mỹ. Silicon Valley lo ngại căng thẳng tiếp diễn sẽ khiến Bắc Kinh kích hoạt trả đũa, gây thêm khó khăn cho việc kinh doanh xuyên buôn giới.

Các chuyên gia trong ngành nhận xét ông Biden ít có khả năng thúc đẩy phân cực mà thay vào đó mang đến nhiều chiến lược hơn để đối phó với Bắc Kinh. Cựu chuyên gia đàm phán thương mại Orit Frenkel cho rằng ông Biden sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc song tư duy chiến lược hơn về quan hệ muốn có với Trung Quốc. Cách tiếp cận của Trump với Trung Quốc, trong đó có tăng thuế, đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ.

Dù vậy, dưới thời Tổng thống Biden, cuộc đua công nghệ giữa hai siêu cường chắc chắn nảy lửa hơn nữa do Mỹ tiếp tục xem sức mạnh công nghệ của Trung Quốc và sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng là nỗi lo quốc gia. Theo Darrell West, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu quản trị tại Viện Brookings, ông Biden có thể mang nhiều chuỗi cung ứng quay về Mỹ hơn. Đây là một cách để tái thiết kinh tế Mỹ nhưng không hà khắc như người tiền nhiệm.

Di sản mà ông Trump để lại như chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc sẽ không thay đổi. Apple, HP, Dell và Google đều yêu cầu đối tác hỗ trợ các phương án sản xuất bên ngoài Trung Quốc, trong khi những công ty điện tử lớn mở rộng cơ sở tại nhiều nước Đông Nam Á, Đài Loan và Ấn Độ.

Simon Lin, Chủ tịch Wistron – đối tác lắp ráp iPhone, nhà cung ứng của Acer, HP và Dell, tin rằng việc chuyển dịch sẽ tồn tại lâu hơn cuộc chiến thương mại khơi mào ra nó. Xu hướng đa dạng hóa lớn này không thay đổi trong ngắn hạn.

Nguồn tin thân cận với Apple tiết lộ kế hoạch chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam vẫn tiếp tục bất chấp ai là chủ nhân của Phòng Bầu dục.

Chính sách thân thiện hơn với lao động nhập cư?

Ông Biden có thể thu hồi một số chính sách nhập cư gần đây khiến các hãng công nghệ lớn của Mỹ khó thu hút và duy trì nhân tài nước ngoài. Trong số này, chương trình visa làm việc H-1B là một vấn đề nổi cộm. Vào tháng 6, Mỹ tạm dừng cấp phép visa H-1B và các visa lao động khác. Tháng trước, Mỹ cũng tăng yêu cầu đối với người xin visa H-1B.

Lập trường không mấy thân thiện của chính quyền Trump đối với nhập cư đã khiến nhiều nhân viên công nghệ rời khỏi nước này. Luật sư nhập cư Diane Hernandez của hãng luật Hall Estill cho rằng họ không còn sống trong những năm 1920 nữa mà hiện tại là thời điểm của kinh tế toàn cầu, nước Mỹ phải cạnh tranh.

Theo bà, ông Biden sẽ không làm khó doanh nghiệp công nghệ khi tuyển người ngoại quốc vì ưu tiên của ông là giúp công ty Mỹ cạnh tranh trên toàn cầu. Tuy nhiên, bà cũng tin rằng ông Biden sẽ thực hiện một số thay đổi đối với chính sách nhập cư dành cho người lao động, trong đó có chương trình H-1B trong vòng 4 năm tới.

Các dự án đầu tư

Tổng thống thay đổi cũng tác động lớn đến nhiều công ty mắc kẹt trong mục tiêu kép của chính quyền Trump, đó là hạn chế sự trỗi dậy của công nghệ Trung Quốc và tái khởi động sản xuất tại Mỹ.

Hai hãng công nghệ lớn nhất Đài Loan – Foxconn và TSMC – đều cam kết đầu tư khủng dưới thời Tổng thống Trump. Song lời hứa hẹn ban đầu của Foxconn là đầu tư 10 tỷ USD vào Wisconsin xây dựng nhà máy màn hình và dây chuyền lắp ráp TV lớn liên tục bị trì hoãn. Đây là điều mà Đảng Dân chủ đã nhanh chóng nắm bắt. Đưa việc làm sản xuất quay lại Mỹ là một trong những cam kết lớn của chiến dịch Trump song ông đã thất bại.

Trong khi đó, vào tháng 5, TSMC tuyên bố ý định xây nhà máy chip hiện đại trị giá 12 tỷ USD tại Arizona, bang chiến trường mà Tổng thống Trump suýt thua.

Chỉ trong vòng 2 tuần trước khi bầu cử bắt đầu, nhà sáng lập Foxconn Terry Gou ra thông cáo tiếp tục đầu tư vào Wisconsin bất kể ai là người chiến thắng, miễn là các nhà hoạch định chính sách vẫn cam kết với Foxconn. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Biden đặt ra câu hỏi liệu các điều khoản đầu tư có được điều chỉnh lại với cả hai dự án kể trên hay không.

Cũng như Foxconn và TSMC, Samsung Electronics đã đầu tư vào Mỹ suốt thời chính quyền Trump. Khoản đầu tư vào nhà máy đồ gia dụng Nam Carolina được thông báo vài ngày trước khi người thừa kế Samsung gặp Tổng thống Trump năm 2017. Samsung có lý do để vui mừng trước nhiệm kỳ Tổng thống Biden bất chấp được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại của Trump. Công ty Hàn Quốc tận hưởng doanh số tăng mạnh do đối thủ Huawei sa chân nhưng bộ máy quản lý lại không an tâm trước sự bất ổn của 4 năm qua.

Theo Nikkei, đại diện Samsung giấu tên cho biết việc ông Biden ủng hộ tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương sẽ giúp công ty phát triển do hơn 80% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài.

Thêm tiền, thêm quy định?

Nói về chính sách công nghệ trong nước, ông Biden cam kết đầu tư mạnh vào các công nghệ mới theo chương trình nghị sự kinh tế “Buy American”. Kế hoạch bao gồm 300 tỷ USD cho công nghệ mới, từ xe điện, vật liệu nhẹ đến 5G và trí tuệ nhân tạo, những lĩnh vực mà Trung Quốc đang đạt nhiều thành tựu.

Chủ tịch Quỹ đổi mới và công nghệ thông tin Rob Atkinson tin tưởng dưới chế độ Biden, sẽ có nhiều hỗ trợ hơn đối với ngành công nghệ thông qua các tổ chức như Quỹ khoa học quốc gia hay tổ chức liên bang khác. Bên cạnh đó, 5G cũng được rót nhiều vốn hơn để triển khai rộng rãi.

Dù vậy, ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cũng công khai chỉ trích ngành công nghệ và kêu gọi quản lý chặt hơn, đặc biệt đối với các mạng xã hội như Facebook. Ông Biden còn kêu gọi đánh thuế thu nhập liên bang tối thiểu nhằm vào những công ty như Amazon. Ông quan tâm đến chính sách an ninh mạng, quyền riêng tư và các lĩnh vực khác nên có khả năng, ngành công nghệ sẽ bị giám sát kỹ lưỡng hơn.

Theo Vietnamnet