Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã tái tạo nền kinh tế Indonesia như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bùng nổ nickel và đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã mang lại đà tăng trưởng ổn định cho Indonesia, nhưng những mục tiêu đầy tham vọng đòi hỏi phải đa dạng hóa nền kinh tế.

Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã tái tạo nền kinh tế Indonesia như thế nào?

Trong thập kỷ qua, ông Joko Widodo đã tái tạo nền kinh tế Indonesia để biến nước này trở thành một trong những thị trường đầu tư hấp dẫn nhất thế giới, một phần không nhỏ nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu về công nghệ năng lượng xanh.

Tổng thống Indonesia, người nhậm chức vào năm 2014, đã tận dụng trữ lượng nickel dồi dào của nước này - lớn nhất thế giới - để nâng cấp ngành chế biến khoáng sản trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời phá vỡ tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài.

Nhưng quá trình chuyển đổi vẫn chưa hoàn tất: vị chính trị gia từng làm nghề sản xuất đồ nội thất này đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đưa Indonesia trở thành 1 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2045.

Ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát giai đoạn tiếp theo trong quá trình vươn lên toàn cầu của Indonesia có thể được quyết định trong thời gian tới, khi khoảng 204 triệu cử tri bầu ra vị tổng thống tiếp theo. Ông Prabowo Subianto, cựu tướng quân đội và là người dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, đã hứa hẹn sẽ duy trì các chính sách của ông Widodo, đặc biệt là về xuất khẩu hàng hóa.

Vậy kỷ nguyên của ông Widodo có ý nghĩa như thế nào đối với Indonesia khi Tổng thống chuẩn bị chuyển giao quyền điều hành nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á?

1-7635.png
Nền kinh tế Indonesia duy trì đà tăng trưởng ổn định 5% hàng năm, ngoại trừ giai đoạn COVID (Ảnh: FT)

Dưới thời ông Widodo, người thường được biết đến với cái tên Jokowi, nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm, ngoại trừ trong những năm đại dịch COVID 2020 và 2021.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình dưới nhiệm kỳ của ông Widodo chậm hơn so với thập kỷ trước - một phần do giá hàng hóa thấp hơn - các nhà kinh tế học cho rằng chính sự ổn định này đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Henry Wibowo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược quốc gia Indonesia tại JPMorgan, cho biết GDP bình quân đầu người của nước này đã tăng và đang tiến gần đến mức 5.000 USD, điều này sẽ thúc đẩy tầng lớp trung lưu và kích hoạt làn sóng chi tiêu tùy ý.

“Đó là động lực tăng trưởng quan trọng và nó sẽ tạo ra nhiều lĩnh vực mới”, ông nói.

2-8789.png
GDP bình quân đầu người của Indonesia dự kiến vượt 5.000 USD trong năm 2024 (Ảnh: FT)

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học lại cho rằng Indonesia nên tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn để đạt được mục tiêu của mình.

Chatib Basri, cựu Bộ trưởng Tài chính hiện giảng viên cao cấp tại ĐH Indonesia, cho biết nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ từ 6-7% cho đến năm 2050 để tránh bị mắc kẹt trong nhóm các nước thu nhập trung bình.

“Bất cứ ai trở thành tổng thống mới vào năm 2024, người đó đều phải đặt mục tiêu đưa Indonesia trở thành nhóm có mức thu nhập cao”, ông Basri nhận định. “Như vậy, 5% là không đủ”.

3-6785.png
Xuất khẩu nickel của Indonesia tăng vọt nhờ nhu cầu xe điện trên toàn cầu (Ảnh: FT)

Một động lực tăng trưởng của Indonesia quan trọng chính là trữ lượng nickel, một thành phần quan trọng của pin xe điện (EV). Ông Widodo đã cấm xuất khẩu quặng nickel vào năm 2019, một phần trong chiến lược phát triển chuỗi cung ứng EV trong nước.

Động thái này đã tiếp thêm sinh lực cho ngành kim loại và khai khoáng bằng cách buộc các hãng tinh chế và sản xuất pin phải thành lập các nhà máy trên lãnh thổ Indonesia. Nó cũng làm tăng giá trị xuất khẩu nickel. Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu nickel của Indonesia đã tăng từ 1,4 tỉ USD năm 2014 lên gần 22 tỉ USD vào năm 2022.

Ông Widodo cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tương tự đối với bauxite, loại quặng dùng để sản xuất nhôm, và chính phủ có kế hoạch mở rộng chúng sang đồng trong năm nay.

“Việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn đã mở rộng cơ sở xuất khẩu sản xuất của Indonesia và tăng thêm khả năng phục hồi cho cán cân tài khoản vãng lai của Indonesia”, Kai Wei Ang, nhà kinh tế ASEAN tại Bank of America Securities, cho biết.

4-480.png
Trung Quốc và Singapore thúc đẩy FDI vào Indonesia lên mức cao kỷ lục (Ảnh: FT)

Vốn FDI đã đổ vào Indonesia kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu nickel có hiệu lực, trong đó các công ty như Ford, Huyndai, tập đoàn kim loại Trung Quốc Tsingshan Holdings và BYD, nhà sản xuất EV lớn nhất thế giới, cam kết đầu tư hàng tỉ USD cho nước này.

Trong năm 2023, đầu tư tăng trưởng 3,7%, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 47,3 tỉ USD, sau khi tăng 46,6% vào năm 2022. Khoảng 1/3 vốn FDI, chủ yếu từ Trung Quốc, đổ vào các ngành công nghiệp khai thác mỏ và kim loại của Indonesia.

5-9172.png
Kim loại và khai khoáng chiếm 1/3 tổng vốn FDI của Indonesia kể từ năm 2021 (Ảnh: FT)

Việc ông Widodo thực thi cái gọi là “Luật Omnibus” về tạo việc làm cũng đã khuyến khích dòng vốn đầu tư, đưa ra những cải cách sâu rộng nhằm cắt giảm nạn quan liêu và mở cửa các lĩnh vực trước đây từng cấm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Douglas Ramage, CEO công ty tư vấn Bower Group Asia ở Jakarta, cho biết các nhà đầu tư “nhận ra rằng đã có những cải cách đáng kể trong môi trường đầu tư”.

6-8982.png
Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Indonesia tăng cao dưới thời Tổng thống Joko Widodo (Ảnh: FT)

Chính quyền của Tổng thống Widodo đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhiều hơn so với bất kỳ chính quyền tiền nhiệm nào, xây dựng mạng lưới đường bộ, đường sắt, đập và cảng trên khắp 17.500 hòn đảo. Phân bổ ngân sách cho cơ sở hạ tầng đã tăng từ 154,7 tỉ Rp (9,9 tỉ USD) vào năm 2014 lên 422,7 nghìn tỉ Rp vào năm 2024.

“Cơ sở hạ tầng vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ sắp tới”, Lavanya Venkateswaran, nhà kinh tế cấp cao về Đông Nam Á tại OCBC cho biết. “Cải thiện khả năng kết nối thông qua mạng lưới đường bộ, đường sắt và sân bay lớn hơn cũng như việc sử dụng nhiều hơn các mạng lưới này sẽ giúp giảm chi phí logistics và phân phối”.

Trong khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng đã góp phần tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, nó cũng khiến các công ty nhà nước phải gánh những khoản nợ khổng lồ, một gánh nặng mà người kế nhiệm ông Widodo sẽ phải giải quyết.

Indonesia đạt thặng dư tài khoản vãng lai hàng năm lần đầu tiên sau một thập kỷ vào năm 2021, do sự bùng nổ xuất khẩu nickel bổ sung cho hoạt động thương mại truyền thống của đất nước – dầu cọ và than đá.

Nhưng việc duy trì thặng dư có thể trở thành một thách thức nếu giá giảm, điều này nhấn mạnh rằng tổng thống tiếp theo của Indonesia cần phải đa dạng hóa nền kinh tế, ngoài xuất khẩu hàng hóa.

“Việc chuyển đổi tài khoản vãng lai là một câu chuyện vĩ mô rất quan trọng đối với Indonesia trong những thập kỷ tới vì nó sẽ giúp duy trì sự ổn định tiền tệ và giúp quốc gia này nổi bật so với hầu hết các thị trường mới nổi”, ông Wibowo từng nói.

Theo Financial Times