Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về giải quyết phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo Thông tư số 305/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, Thông tư số 305 về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số quy định một số điều còn chưa rõ ràng.
Cụ thể, đại diện của Vietel cho biết, tại Điều 4 của Thông tư 305, quy định mức tính phí trên cơ sở tính theo chữ ký số sử dụng trong tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, chữ ký số chỉ là một trong những sản phẩm của chứng thư số. Mặt khác chứng thư số có thể được hiểu như một con dấu nên có thể được sử dụng trên nhiều tài liệu khác nhau, tức là một chứng thư số có thể tạo ra vô số chữ ký số.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng đại diện miền Bắc Công ty cổ phần chữ ký số Vina cũng đồng quan điểm trên và cho rằng trong trường hợp này, mức thu phí cần tính trên cơ sở chứng thư số chứ không phải chữ ký số.
Ngoài ra, tại Điều 2 của Thông tư này, đối tượng nộp phí là các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng theo quy định của pháp luật. Rõ ràng, người phải nộp phí trong trường hợp này là các CA (tức là các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số).
Mặt khác, theo Luật phí và lệ phí thì phí là khoản để bù đắp chi phí cơ bản do cá nhân, tổ chức phải trả cho các dịch vụ hành chính công, tức là các đơn vị sử dụng chữ ký số phải trả.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2017.