Được biết, Nghị định mới sẽ đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong quá trình quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cũng như phù hợp xu thế phát triển của thị trường, công nghệ đang phát triển nhanh,
Ngoài ra, Nghị định mới còn xử lý được các hiện trạng bất cập như điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hiện nay theo quy định của Nghị định 26/2007/NĐ-CP còn khá dễ dàng dẫn đến tình trạng 9 CA công cộng cung cấp dịch vụ trong một thị trường có hơn 1 triệu người sử dụng và cạnh tranh rất gay gắt và cạnh tranh giữa các đại lý. Đội ngũ kỹ thuật của các CA thường ít và không ổn định, dẫn đến gặp khó khăn khi giải quyết các sự cố.
Một bất cập khác là Nghị định 26/2007/NĐ-CP chưa quy định rõ ràng về liên thông giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị. Chính điều này gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như khai thuế qua mạng… Đồng thời, cũng chưa có quy định về liên thông giữa các CA công cộng của Việt Nam với các CA nước ngoài nên việc sử dụng chữ ký số nước ngoài ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Một số đại biểu cho biết hiện tại Việt Nam có 9 CA công cộng phục vụ thị trường 1 triệu người sử dụng chữ ký số là quy hoạch không hợp lý. Hàn Quốc chỉ có 6 CA công cộng phục vụ 30 triệu người sử dụng chữ ký số.
Vì vậy, tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo do Bộ TT&TT chủ trì mới đây, các đại biểu là thành viên của Ban Soạn thảo đến từ các Bộ, ngành đều thống nhất cần thiết phải xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP để đáp ứng với tình hình phát triển mới.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng khi xây dựng Nghị định mới như đối với các CA chuyên dùng nội bộ thì có cần quản lý không, nếu quản lý thì ở mức độ nào hay giá trị pháp lý của chữ ký số có thay thế con dấu được không?
Ông Lê Đức Thành, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, một thực tế là các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam như Intel, Foxconn… thường dùng chung một chữ ký số của công ty mẹ. Theo đó, ông Thành đề nghị Nghị định thay thế mới cần có những quy định về công nhận chữ ký số nước ngoài và các hoạt động thanh kiểm tra đối với những chữ ký số nước ngoài.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban soạn thảo nhận định: Nghị định 26/2007/NĐ-CP là một Nghị định quan trọng và đặc biệt vì liên quan đến an toàn, đến sự tín nhiệm. Do đó việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP cần phải chú trọng đến tỉnh khả thi, đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực này vì Nghị định này tác động đến những lĩnh vực quan trọng trong xã hội như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…
Thứ trưởng chỉ đạo Tổ biên tập Nghị định dựa trên các ý kiến tham gia đóng góp trong cuộc họp để xây dựng thành nhóm các vấn đề quan trọng, cần phải sửa đổi để trình lên Ban soạn thảo. Đồng thời, Trung tâm chứng thực chữ ký số cần phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Báo cáo thực hiện Nghị định 26/2007/NĐ-CP giai đoạn 2007-2017, trong đó nêu đầy đủ những thành tựu đạt được và những vướng mắc, khó khăn cần giải quyết.
Được biết, thường trực Ban soạn thảo, Trung tâm NEAC sẽ triển khai xây dựng Đề cương của Nghị định mới và sớm trình Ban soạn thảo.
Theo NEAC, tới nay Việt Nam có có 09 tổ chức được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Hơn 580.000 tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, các chi nhánh sử dụng chữ ký số kê khai thuế qua mạng. Gần 70.000 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong khai báo hải quan. Khoảng 124.000 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong kê khai bảo hiểm xã hội. Theo số liệu thống kê, đến 31/12/2015, toàn quốc có tổng số 1.422.800 chứng thư số công cộng được cấp phát, trong đó số lượng đang hoạt động là 733.846. Số lượng chứng thư số công cộng được cấp và sử dụng chủ yếu để khai thuế qua mạng, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội.
Về tình hình ứng dụng chữ ký số tại các Bộ, ngành, địa phương, năm 2009 mới chỉ có 2/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ ứng dụng chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Đến năm 2015 đã có 26/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ sử dụng chữ ký số. Tính đến 31/12/2015, theo khảo sát, đã có 19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (86,36%) ứng dụng chữ ký số phục vụ hoạt động quản lý, nghiệp vụ trao đổi thông tin trong phạm vi nội bộ. 5/22 Bộ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến có sử dụng chữ ký số nhằm xác thực người dùng. Tính đến năm 2015, đã có 52/63 địa phương được cấp chữ ký số chuyên dùng.