Tuổi trẻ trích đăng một số nội dung chính dưới đây.
- Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối hoạt động vận tải tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, các hiệp hội taxi, hiệp hội vận tải tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn liên tục có công văn gửi các cơ quan quản lý đề xuất cấm Uber, GrabTaxi kinh doanh vì lý do kinh doanh taxi trá hình. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trước những đề xuất này?
+ Người phát ngôn Chính phủ:
Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đầu tư, kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh vận tải nói riêng, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT cho thí điểm trong 2 năm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách trên 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà); đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố nêu trên hướng dẫn việc triển khai thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thí điểm.
Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận cá nhân, đơn vị chưa đủ điều kiện kinh doanh vận tải nhưng sử dụng các phần mềm ứng dụng để hoạt động kinh doanh. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại 5 địa phương nêu trên.
- Báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013.
Một số ý kiến cho rằng, khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ.
Xin cho biết Chính phủ có chỉ đạo như thế nào để xử lý tình trạng nợ của DNNN? Khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Việt Nam hay không?
+ Người phát ngôn Chính phủ:
Đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỉ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.
Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị định số 206 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ của mình, bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và bảo đảm khả năng trả nợ; xây dựng kế hoạch, cân đối dòng tiền, bảo đảm nguồn trả nợ, thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng cam kết, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn, lãnh đạo doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng trả nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đồng thời Nghị định cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo quản lý nợ đối với DNNN.
Hiện nay, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1 % là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.
Việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường.
Việc Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN vay vốn đều thực hiện chặt chẽ theo quy định về việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo Nghị định số 15 của Chính phủ.
Việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhất là trong các giai đoạn nguồn vốn trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển.
Các DNNN có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.
Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ.
- Do lượng hàng tồn kho tăng cao tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất thậm chí có nguy cơ vượt quá sức chứa tối đa của nhà máy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh mức thuế nhập khẩu để bảo đảm sản phẩm tồn kho của Nhà máy sớm được tiêu thụ. Xin cho biết chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?
+ Người phát ngôn Chính phủ:
Theo quy định pháp luật về thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định áp dụng mức thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng. Về kiến nghị của PVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định.
- Vừa qua Ngân hàng Nhà nước có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để cho phép công ty vàng thuộc tập đoàn Besra ở Quảng Nam xuất khẩu gần 400kg vàng, xin cho biết chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này?
+ Người phát ngôn Chính phủ:
Ngày 24-11-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có ý kiến chỉ đạo: việc cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty trách nhiệm hữu hạn Vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam khẩn trương yêu cầu các công ty nêu trên thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế (Công văn số 1536 và số 8067 của Văn phòng Chính phủ).
- Sau khi Chính phủ tuyên bố thoái vốn tại Vinamilk, doanh nghiệp này kiến nghị một loạt vấn đề như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, được cho họ lựa chọn đối tác... Quan điểm của Chính phủ thế nào?
+ Người phát ngôn Chính phủ:
Vinamilk có công văn số 4890 ngày 21-10-2015 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị phương thức bán vốn nhà nước tại Vinamilk.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nghiên cứu, trả lời theo thẩm quyền và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1787 ngày 8-10-2015.
Theo đó, giao SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm đạt lợi ích cao nhất cho nhà nước.
Theo Tuổi trẻ