Tổ chức kiểm định xe cơ giới không được kinh doanh vận tải ô tô
Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới không được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới hoặc có liên quan trực tiếp với tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới là công ty cổ phần thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới chỉ được nắm giữ không quá 10% cổ phần của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Nghị định nêu rõ: Chỉ những tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải đáp ứng các điều kiện chung sau: 1- Việc thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp Quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị đăng kiểm và dây chuyền kiểm định; 2- Tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực theo quy định, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Nghị định quy định, đơn vị đăng kiểm bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ 01 tháng đến 03 tháng, trong các trường hợp sau: 1- Không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra, thiết bị thông tin, lưu trữ, truyền số liệu theo quy định của Nghị định này; 2- Thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra đã bị hỏng, không bảo đảm tính chính xác, chưa được kiểm định, đánh giá, hiệu chuẩn theo quy định; 3- Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, thẩm quyền; 4- Có từ 03 lượt đăng kiểm viên trở lên bị đình chỉ hoặc từ 02 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng; 5- Sử dụng, phân công đăng kiểm viên kiểm định không phù hợp nội dung giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
Đơn vị đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới trong trường hợp sau: 1- Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới được cấp do gian lận, làm giả các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu; 2- Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; 3- Không triển khai hoạt động kiểm định sau 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; 4- Ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới quá 06 tháng liên tục; 5- Bị đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới quá 02 lần trong thời gian 12 tháng; 6- Có từ 05 lượt đăng kiểm viên trở lên bị đình chỉ hoặc từ 03 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng; 7- Đơn vị đăng kiểm bị giải thể hoặc có đề nghị thu hồi.
Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Quy định mới về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông
Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cụ thể, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 12 Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về "điều kiện của tổ chức, cá nhân thẩm tra an toàn giao thông" thành "điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông".
Trong đó, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP nêu rõ cá nhân tham gia thẩm tra an toàn giao thông (thẩm tra viên) phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp.
Cá nhân đảm nhận chức danh Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định trên, còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: 1- Đảm nhận chức danh Chủ nhiệm đồ án thiết kế ít nhất 03 công trình đường bộ; 2- Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 07 năm; 3- Có trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành giao thông đường bộ về công trình đường bộ, vận tải đường bộ và có thời gian ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: Quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ; trong đó, đã tham gia xử lý an toàn giao thông từ 03 công trình đường bộ trở lên.
Nhà thầu tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng điều kiện: 1- Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 04 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông; 2- Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 01 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.
Ngoài ra, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP cũng bổ sung một số điều quy định về: Điều kiện của cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; trình tự, thủ tục chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; giảng viên và học viên tham gia đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; cấp, cấp đổi, cấp lại chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; thu hồi Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo, thu hồi chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ...
Trong đó, về điều kiện của cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 64/2016/NĐ-CP nêu rõ: Cơ sở này phải là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ giảng viên, về tài liệu giảng dạy, về quản lý công tác đào tạo và phải được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.
Nghị định 64/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
X.T