|
Một tuyến tàu cao tốc của Nhật |
Ý định về đường sắt tốc độ cao xuyên Việt đã được chính phủ định hình từ năm 2008, tại quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2010, giữa lúc khủng hoảng kinh tế thế giới và Việt Nam đang cao trào, đề nghị về dự án đường sắt tốc độ cao xuyên Việt với nhu cầu vốn khoảng 56,8 tỷ USD do Chính phủ trình đã bị Quốc hội bác bỏ.
Giai đoạn ông Đinh La Thăng - nay là Bí thư Thành ủy TP.HCM - vẫn còn là Bộ trưởng GTVT, ông Thăng không ít lần bày tỏ ý định nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc. Thậm chí, mọi đề xuất nâng cấp hệ thống đường sắt xuyên Việt đều được gắn ít nhiều với khả năng chuyển nhanh sang đầu tư đường sắt cao tốc.
Kết thúc nhiệm kỳ làm Bộ trưởng GTVT, ông Đinh La Thăng cho biết, ông vẫn "canh cánh món nợ đường sắt cao tốc với nhân dân".
Với việc đưa hẳn một chương về đường sắt cao tốc lần này, Bộ GTVT và Chính phủ cho thấy ý định rõ ràng trong việc kiên nhẫn thuyết phục Quốc hội vượt qua được sự cảnh giác về vốn đầu tư lớn của loại hình vận tải này, để mà chấp nhận làm đường sắt cao tốc.
Trên thực tế, không có một loại hình vận tải nào có khả năng cho chi phí vận tải bình quân thấp, thời gian khai thác lâu dài như đường sắt. Ngay hệ thống đường sắt hiện hữu Việt Nam đang khai thác cũng đã "thọ" hơn 120 năm, và sẽ còn tiếp tục vận hành trong nhiều chục năm tới.
Nói cách khác, lời giải giảm chi phí vận tải đang quá cao ở Việt Nam hiện nay là phụ thuộc vào đường sắt, chứ chắc chắn không phụ thuộc vào cao tốc đường bộ. Trong khi đó thì Việt Nam lại thậm chí còn chưa có ý định, hay hình dung cụ thể về đường sắt cao tốc xuyên Việt.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ & Môi trường Quốc hội - ông Phan Xuân Dũng - cho biết, vận tải đường sắt giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông Việt Nam, đóng góp to lớn trong xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, đến nay giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều bất cập như: kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp; đường đơn khổ rộng 1 mét trên thế giới hầu như không dùng; hệ thống tín hiệu nhiều thế hệ, năng lực thông qua thấp; có nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động hầu như chưa được ứng dụng... Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp.
Vì vậy, trong vài năm trở lại đây, thị phần vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt so với các lĩnh vực khác đang giảm. Ước tính thị phần vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,7% trong khi vận tải đường bộ chiếm 62%.
Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến sẽ tăng thị phần vận tải hành khách, giải quyết được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân…
Trong thời gian chờ Quốc hội có chủ trương về đường sắt cao tốc, Chính phủ đã giao Bộ GTVT tiếp tục cập nhật nghiên cứu tiền khả thi về chủ trương này. Bộ GTVT cũng cho biết là phấn đấu đến năm 2018 sẽ trình kết quả nghiên cứu lên Chính phủ thẩm định lại, nếu thông qua được thì trình lên Quốc hội, phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2020.
Theo báo cáo sơ bộ năm 2010 của Chính phủ, dự án sẽ xây dựng đường sắt cao tốc khổ 1.435mm với tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 55,8 tỷ USD, trong đó vốn nhà nước đáp ứng khoảng 28%, còn lại sẽ huy động các nguồn trong và ngoài nước như ODA, PPP...
Như vậy, suất đầu tư trung bình của dự án sẽ là 35,6 triệu USD/km. So với các nước trên thế giới, suất đầu tư này cũng không cao, khi suất đầu tư của đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải là 24,3 triệu USD/km; Đức 47,2 triệu USD/km; Hàn Quốc 52,9 triệu USD/km; Pháp 22,2 triệu USD/km.
Còn theo giải trình của Bộ GTVT, nhà nước sẽ đóng vai trò chính trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao, nhằm kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải khác.
Dẫu thế, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Quốc hội ủng hộ "giấc mơ" đường sắt tốc độ cao của Chính phủ. Trong buổi làm việc chiều 12/9 về dự án Luật Đường sắt, một cách lịch sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết bà ủng hộ mô hình đường sắt tốc độ cao. Nhưng Phó chủ tịch Quốc hội vẫn băn khoăn về những vấn đề cũ, có từ 6 năm trước. Đó là, kinh phí đầu tư quá lớn nhưng chưa rõ hiệu quả ra sao ?
Đường sắt tốc độ cao có thu hút được hành khách không, có cạnh tranh nổi với các dịch vụ vận tải khác, đặc biệt với ngành hàng không? - "Người dân đi chân đất, đến tàu hàng còn chưa được đi, nói gì tàu cao tốc" - Phó chủ tịch Quốc hội nói vậy và đề nghị Chính phủ cân nhắc đến hiệu quả đầu tư với ý định về đường sắt cao tốc.